* Ông đánh giá thế nào về triển vọng của việc thông qua PNTR cho Việt Nam và việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC)?
- Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ và tôi nghĩ rằng đa số thành viên trong Quốc hội cũng ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO, tuy nhiên theo như lịch hiện nay thì Quốc hội Mỹ khó mà bỏ phiếu về PNTR cho Việt Nam trước thời điểm bầu cử Quốc hội (7/11). Chúng tôi sẽ nhóm họp lại vào ngày 13/11 và cá nhân tôi tin rằng sẽ có một cuộc bỏ phiếu về PNTR cho Việt Nam và sẽ có một kết quả tích cực, với đa số phiếu ủng hộ.
Về vấn đề CPC, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tích cực làm việc với Việt Nam, và tìm ra giải pháp tích cực. Tôi nghĩ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trên lĩnh vực này, tuy nhiên chúng ta còn một số vấn đề nữa phải giải quyết. Đây là thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, không phải của Quốc hội.
Trong các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam, Thượng Nghĩ sĩ Chuck Hagel cũng đã gửi lời hỏi thăm và chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn trong cơn bão số 6 tại các tỉnh miền Trung vừa qua. Hôm qua, Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết Chính phủ Mỹ sẽ viện trợ khẩn cấp cho nhân dân Việt Nam 100.000 USD thông qua Hội chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Thông báo của Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh: "Nhân dân Mỹ không bao giờ quên và luôn biết ơn hành động của Việt Nam sau cơn bão Katrina. Chúng tôi tự hào được kề vai sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực cứu trợ".
* Ông có cảm thấy khó xử khi nói chuyện với các lãnh đạo Việt Nam về thưong mại trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua PNTR cho Việt Nam?
- Cá nhân tôi cũng cảm thấy thất vọng, và tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi trong quốc hội cũng thất vọng vì chưa thông qua PNTR cho Việt Nam. Tôi biết còn một số vấn đề đang được giải quyết chẳng hạn như dệt may, nhưng gần đây đã được giải quyết, nhờ có một thỏa thuận với hai Thượng Nghị sĩ bang Bắc Carolina. Tôi lấy làm tiếc, nhưng thực ra dự luật PNTR cho Việt Nam cũng nằm trong nhiều luật liên quan đến thương mại mà Quốc hội Mỹ đã không đủ thời gian để thông qua trong thời gian vừa qua. Theo hiểu biết của tôi Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong việc cải cách hệ thống pháp luật để phù hợp với luật lệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.
* Ông là người đã nói rất mạnh mẽ về cuộc chiến Iraq, bản thân ông là người từng phục vụ ở Việt Nam, vậy khi ông trở lại Việt Nam ông đã có thời gian để cảm nhận về những cảm xúc đó như thế nào?
- Tất nhiên những trải nghiệm của tôi về chiến tranh Việt Nam khi tôi ở đây vào năm 1968 có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của tôi về chiến tranh. Tất cả chúng ta đều là sản phẩm của trải nghiệm của chính mình. Chiến tranh cần phải là giải pháp cuối cùng, các nhà lãnh đạo quốc gia không nên cam kết vào một cuộc chiến trừ phi họ đã cân nhắc rất kỹ về hậu quả của cuộc chiến. Năm 1999 tôi và anh tôi, Tom đã quay trở lại Việt Nam, anh ấy cũng tham gia quân đội Mỹ cùng với tôi trong chiến tranh Việt Nam năm 1968. Chúng tôi quay trở lại và chính là những người cắt băng khánh thành Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở TP Hồ Chí Minh.
Cuộc chiến Iraq hoàn toàn khác cuộc chiến Việt Nam và tình trạng cũng không giống nhau. Tôi là một trong số các nghị sĩ đã có câu hỏi rất khắt khe trước khi Tổng thống Mỹ đem quân đến Iraq. Nhưng cho dù thế nào thì chúng ta vẫn đang ở trong tình thế như vậy, chúng ta không thể quay ngược thời gian và vặn vẹo về những quyết định mà mình đã đưa ra.
Xuân Danh
(ghi)
Bình luận (0)