|
Bác sĩ Hồ Thái Tính (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM), người tham gia đoàn thầy thuốc trẻ VN ba năm liên tiếp sang Lào, bộc bạch: “Sự niềm nở của người dân đối với bác sĩ vừa là tình cảm vừa là động lực để chúng tôi làm tốt hơn công việc của mình. Đó không chỉ là tình cảm giữa bệnh nhân và bác sĩ, mà còn là tình cảm giữa người dân hai nước anh em. Những nắm cơm, ít hộp xôi mà bà con rất nhiệt tình ép chúng tôi nhận tuy không đủ no lòng nhưng lại ấm áp tình nghĩa của người Lào”.
Bác sĩ Trần Chấn Thanh Vân (Bệnh viện Mắt TP.HCM) không bao giờ quên được những ngày đến với Tăng Ta Lăng (huyện Dăk Chưng) - bản xa nhất của tỉnh Sekong. Quãng đường 200km nhưng đoàn bác sĩ phải mất gần 20 giờ mới đến được và chỉ có thể di chuyển bằng xe bán tải hai cầu với bánh xe gắn dây xích để có thể băng rừng. Ở đó bác sĩ Vân gặp những người dân lần đầu tiên biết đến viên thuốc và chưa bao giờ đi khám bệnh vì cách trung tâm huyện quá xa.
Ngày khám bệnh, bà con không quên mang theo “quà quê” với mật ong, rau củ và cả thịt để thết đãi các bác sĩ đến từ phương xa. Bác sĩ Thanh Vân nhớ mãi và cảm thấy rất ấm lòng khi ở hầu hết nhà người dân Lào đều treo hình Bác Hồ như một cách tỏ lòng kính trọng. Một người dân đã thổ lộ với cô bác sĩ trẻ VN rằng họ mang ơn Bác Hồ vì Người không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc VN mà còn giúp đỡ cách mạng Lào...
Anh Huỳnh Nguyễn Lộc - trưởng Ban công nhân lao động Thành đoàn TP.HCM, người đã nhiều lần dẫn đoàn bác sĩ TP.HCM sang Lào khám bệnh - cho biết khó có từ ngữ để diễn tả hết tình cảm đặc biệt của người dân Lào dành cho đoàn bác sĩ VN. Qua những hoạt động tình nguyện, tình cảm Lào - Việt lại càng được gắn chặt hơn, sâu bền hơn.
“Các hoạt động tình nguyện không chỉ gắn kết tình cảm của người làm công tác Đoàn ở hai nước, mà còn kết nối giới trẻ hai dân tộc với nhau. Những bạn trẻ TP.HCM đã có dịp hiểu thêm về Attapeu, Champasak và ngược lại các bạn trẻ Lào cũng có dịp giao lưu, kết bạn với bạn trẻ VN qua các đợt tình nguyện” - anh Lộc nói.
Theo Phi Long / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)