Tôi nhớ mãi hình ảnh má loay hoay dọn rửa chuồng, cho heo ăn xong thì ra sau vườn móc dừa. Má ngó nghiêng lên mấy buồng dừa đầy trái, rồi dùng cây móc dừa (được làm từ cây lục bình, trên đầu có gắn khúc sắt bẻ cong) móc mạnh một trái. Trái dừa rớt xuống đất đánh phịch, lũ trẻ con chúng tôi nhanh nhẹn xách vào nhà, thì nghe tiếng má hài hước bảo: “Bữa nay nhà mình ăn món cong xuồng kho tương nha mấy đứa”.
Món rau dân dã |
Bội Nhu |
Món “cong xuồng kho tương” nghe có vẻ lạ tai nhưng kỳ thực là món dừa cứng cạy xắt mỏng đem kho với tương hột. Do dừa khi xắt ra thường có hình dạng cong cong, từa tựa như cái cong xuồng (phần khung sườn của chiếc xuồng) nên người miền Tây hài hước thường gọi ví von là “cong xuồng”. Má tôi kể ngày trước, vào mùa mưa, khi tàu thuyền không đi biển được, món cơm dừa kho tiêu trở thành món ngon trong bữa ăn. Cũng bởi món này ngon mà lâu ngán, thêm nữa lại rất tiện lợi. Muốn ăn là ra sau vườn hái, rồi tỉ mẩn xắt mỏng như nậu làm mứt và kho thật thấm. Miếng “thịt” dừa vừa béo lại vừa mặn, ăn với cơm nóng, thêm chút rau vườn là “hết bài”.
Công đoạn mất công nhất của món này là việc dùng búa lột vỏ dừa, lấy nước ra rồi cạy cơm dừa xắt từng miếng cho vào nồi đất, sau đó cho tương vào, đổ thêm ít nước, bắc lên bếp, nhóm lửa kho.
Tương cũng do má tôi tự làm từ mấy tháng trước. Dù ngoài chợ khi ấy có bán rất nhiều loại tương này nhưng má vẫn thích tự tay luộc đậu, ủ đậu, sau đó cho vào lu kèm với muối, đường rồi phơi nắng. Theo kinh nghiệm bà ngoại truyền lại cho má thì tương ngon là loại hạt tương mềm đều, màu vàng đậm mà không bể đôi, nước tương không có vị chua.
Má thường vừa tranh thủ nấu cơm vừa hớt bọt và bớt lửa, để sôi thêm một lúc cho dừa đủ độ thấm. Rồi trong lúc hối tôi ra giàn hành phía sau ngắt mấy cọng đem lên xắt nhuyễn để tí cho vào thì má cũng cho vào chút đường, ít bột ngọt, nêm nếm cho vừa ăn rồi nhắc xuống. Khi tía đi làm đồng về thì nồi cơm nóng hổi cũng được dọn lên. Gian nhà tranh đơn sơ nhưng ngập tràn tiếng cười nói của tía má và mấy anh chị em tôi. Bữa cơm giản đơn với “cong xuồng kho tương”, thêm mấy cá khô sặt chiên giòn, bát canh tập tàng nóng mà ngon lành, đong đầy kỷ niệm. Từng miếng dừa được tương thấm quyện vào ăn bùi bùi, beo béo xen lẫn việc mằn mặn cực kỳ ngon và bắt cơm. Xen vào bữa cơm là giọng trầm ấm của tía, tiếng cười nói của má thay nhau kể chuyện làng, chuyện nhà cửa, ruộng vườn... giữa khu vườn xanh mát, ngập tràn ánh nắng vàng phương Nam.
Cũng có hôm, sợ tía con tôi ăn mãi một món sẽ ngán, má đổi cách chế biến bằng việc vắt thêm nước cốt dừa vào. Những ngày ở làng mưa rả rích, nước dưới mương bắt đầu xâm xấp, cũng là lúc rau đắng, rau muống mọc lên xanh um. Mấy đứa trẻ con bọn tôi thường tranh thủ đi hái rau. Chỉ cần đưa tay gạt nhẹ cho phèn, cặn xô đi, một tay gộp mớ rau, tay kia dùng dao cắt, là thu được một rổ rau xanh mướt, cọng nào cọng nấy mềm trắng, non trong. Nhà tôi ai cũng mê ăn rau đồng nên đôi khi chỉ cần một đĩa rau muống hay rau đắng đầu mùa được luộc chấm cùng tương kho nước cốt dừa thì bao mỹ vị thế gian cũng không sánh bằng. Đặc biệt là khi ăn rau đắng chấm tương, nhai xong uống thêm ly trà đá, thấy khoan khoái vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi.
Khi tía má vĩnh viễn đi xa, bỏ lại hai anh em chúng tôi dù tóc đã bạc nửa mái đầu nhưng vẫn thấy mình như những đứa trẻ bơ vơ giữa đời. Thi thoảng, có dịp gặp nhau, chúng tôi lại hẹn nhau cùng làm món “cong xuồng kho tương” trước để cúng tía má, sau cũng là để anh em hàn huyên tâm sự. Món ăn thuở thiếu thời giản dị mà chất chứa biết bao kỷ niệm ngọt bùi một thời gian khó, khiến ai ăn cũng đau đáu nỗi nhớ quê nhà làng cũ.
Bình luận (0)