Lúc bạn làm báo cáo sai, lúc bạn cung cấp số liệu không chính xác khiến những bộ phận khác bị ảnh hưởng, khách hàng phàn nàn... Mặc dù vậy, ít khi bạn chịu nhận lỗi về mình mà luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác ngay cả khi có ai đó chỉ ra cái sai của bạn.
Mọi người trêu bạn là “vận động viên bóng bàn” để ám chỉ cách bạn luôn đẩy lỗi lầm, sai sót cho người khác mỗi khi có dịp. Dần dà, chẳng ai muốn làm việc chung với bạn. Bạn liên tục thay đổi qua nhiều công ty nhưng chẳng nơi nào trụ lại lâu. Nghe đâu, lý do chỉ vì bạn không được đánh giá tích cực cho thái độ làm việc của mình.
Có bài hát tựa đề Sorry seems to be the hardest word (tạm dịch: Xin lỗi là điều khó nói nhất), không biết có phải như ý nghĩa của cái tiêu đề không mà nhiều người chọn cách phủ nhận hoặc đổ lỗi cho người khác khi gây ra một điều gì đó và cho rằng đó mới là sự khôn ngoan để bảo toàn giá trị bản thân. Tuy nhiên, phàm là người ai chẳng có lúc sai lầm, nhưng biết nhận lỗi và xin lỗi mới thực là sự cao quý vượt lên những cái sai thường tình ấy.
Đổ lỗi cho người khác là việc dễ làm chứ nhận lỗi về mình không phải ai cũng làm được bởi đó không chỉ đòi hỏi sự mạnh mẽ, trung thực và khiêm nhường. Mạnh mẽ để đối diện với sự thật là mình không hoàn hảo, trung thực để không chối bỏ sai lầm ấy và khiêm nhường để có thể hạ mình nhận lỗi trước người khác.
Người luôn đổ lỗi cho người khác khó thể biết được mình sai ở đâu nên đã bỏ qua cơ hội cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn. Tôn trọng người khác qua việc nhận lỗi về mình cũng là cách tôn trọng bản thân. “Dám làm dám chịu”, dám thừa nhận sự kém cỏi của mình mới là cách ứng xử của một người trưởng thành.
Bình luận (0)