Ở nhà tôi, cứ đến bữa, mẹ lại nấu gạo trộn chung với sắn lát ngâm, phần cơm cho các con còn sắn để ba mẹ ăn. Nhưng rồi ăn sắn độn cơm, sắn luộc mãi cũng ngán, người dân quê tôi nghĩ ra cách biến sắn thành nhiều món ăn lạ miệng như làm bánh đập, bánh tráng, bánh lọc... và cả phở sắn.
So với những món khác, phở sắn được làm khá công phu. Củ sắn nhổ về, xắt lát mỏng, phơi khô rồi xay thành bột. Bột sắn được ngâm và chắt lọc nước liên tục trong nhiều ngày cho đến khi nước trong, không bị vàng đục, hết chua, loại bỏ chất độc thì mới bắt đầu nấu thành hồ. Sau khi bột sắn chín, để nguội rồi bỏ lên máy ép thành các sợi phở nhỏ đan lồng vào nhau như hình mắc lưới.
Phở sắn phải phơi dưới trời nắng to mới khô giòn, màu sợi phở trong.
Nếu ngày xưa, phở sắn chỉ là món bình dân của người nghèo thì bây giờ phở sắn đã trở thành một đặc sản có mặt ở khắp nơi, được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn và lạ miệng. Nhưng đối với tôi, món phở sắn bình dị của ngày xưa bao giờ cũng thơm ngon đặc biệt nhất. Không cần thịt heo, tôm, cá ăn cùng mà chỉ cần ngâm phở vừa mềm, trụng qua nước sôi chan với nước mắm ớt chanh, thêm đĩa rau sống được làm từ bắp chuối và rau quế ở vườn nhà, rắc đậu phộng rang là đủ ngon.
Món phở sắn mẹ nấu không cầu kỳ nhưng anh em tôi đã ăn ngon lành qua những ngày thiếu thốn.
Bình luận (0)