Thưởng thức đa dạng bánh dân gian, trái cây… tại Lễ hội sông nước TP.HCM

05/08/2023 12:10 GMT+7

Tại không gian “Trên bến dưới thuyền” (Q.8, TP.HCM) trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023, người trẻ đã vô cùng phấn khích khi được thưởng thức bánh dân gian độc đáo và các loại trái cây lạ…

Tại không gian “Trên bến dưới thuyền” (Q.8, TP.HCM) trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023, các gian hàng trưng bày bánh dân gian vô cùng đẹp mắt, như: bánh bò, bánh chuối hấp, bánh tét, bánh cúng miền Tây... 

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 1.

Bánh cúng được nhiều người ưa chuộng vì có hương vị độc đáo

KIM NGỌC NGHIÊN

Đứng bán tại một gian hàng bánh dân gian, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (33 tuổi, quê Đồng Tháp), cho biết: “Bánh cúng phổ biến ở miền Tây Nam bộ, thường xuất hiện trong những dịp như đám giỗ… dâng lên bàn thờ ông bà để bày tỏ lòng biết ơn. Loại bánh này được làm từ bột gạo kết hợp với nước cốt dừa cùng một vài loại gia vị như muối, đường… Điểm đặc biệt nằm ở chỗ người ta khéo léo gói miếng lá chuối thành hình như một cái ống nhỏ để khi đổ nước bột pha loãng vào không bị chảy ra ngoài. Bánh có vị ngọt nhẹ, béo rất hấp dẫn”.

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 2.

Bạn trẻ chờ mua các loại bánh dân gian

KIM NGỌC NGHIÊN

Đợi xếp hàng để mua bánh cúng, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (25 tuổi), làm việc tại 406 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM, cho biết không thể quên được hương vị của loại bánh này vì từng được bà ngoại làm cho ăn ngày còn nhỏ. Theo Quỳnh, bánh cúng có hương vị rất cuốn hút: “Vừa mua là mình mở ra ăn liền 4 cái, vị ngon độc đáo khiến người ta không thể dừng ăn được”.

Trải nghiệm thú vị tại Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất

Còn Nguyễn Thu An, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, vui mừng khi thấy gian hàng bán bánh cúng: “Mình nhớ lần gần nhất được ăn loại bánh này là khi về chơi nhà bạn ở tỉnh Long An. Tại TP.HCM rất ít nơi bán nên mình tranh thủ mua 20 cái về cho cả nhà cùng ăn. Vị bánh béo, dẻo, có tí mặn khiến mình cứ nhớ hoài”.

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 3.

Những chiếc ghe chở đầy các loại trái cây tại không gian "Trên bến dưới thuyền"

KIM NGỌC NGHIÊN

Các gian hàng trái cây cũng thu hút nhiều người đến tham quan, ngoài những loại quen thuộc như: nhãn, quýt, xoài… còn có sự xuất hiện của trái lê ki ma giống Thái và hồng socola.

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 4.

Trái hồng socola

KIM NGỌC NGHIÊN

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 5.

Trái lê ki ma giống Thái gây ấn tượng cho nhiều người

KIM NGỌC NGHIÊN

Chị Trần Thị Ngọc Châu (40 tuổi, quê Tiền Giang), chủ gian hàng bán lê ki ma và hồng socola cho biết: “Lê ki ma giống Thái Lan to gấp 3 lần loại bản địa, thơm ngon. Còn hồng socola khi chín có vị giống như một thanh kẹo socola, mềm dẻo, không cần ủ như các loại hồng khác mà để chín tự nhiên, có thể ăn tươi hoặc làm sinh tố. Loại này nhập khẩu giống từ Nhật Bản”.

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 6.

Đồ chơi dân gian được làm từ lá dừa non

KIM NGỌC NGHIÊN

Thưởng thức bánh cúng, trái cây lạ… tại Lễ hội sông nước TP.HCM - Ảnh 7.

Lâm Bảo Di thích thú với những món đồ gắn liền với tuổi thơ

KIM NGỌC NGHIÊN

Thích thú chụp ảnh tại không gian "Trên bến dưới thuyền", Lâm Bảo Di, học sinh Trường THCS, THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ (Q.5, TP.HCM), cho biết cảm thấy rất ấn tượng với trái hồng socola: “Mình chưa thấy quả hồng nào to như vậy, nghe các cô chú nói nó còn có vị của socola nữa nên mình khá tò mò. Ngày mai mình sẽ rủ mẹ đến mua về ăn thử”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.