Công ty Vico (Nam Định) đã đề ra chính sách khoán chỉ số tiêu thụ điện tới từng phân xưởng, đồng thời thưởng tiền cho nhóm công nhân giảm được mức tiêu hao điện năng.
Những ngày cuối năm 2011, loa phát thanh của các xã, phường ở TP Nam Định liên tục thông tin về tình trạng thiếu điện và các giải pháp tiết kiệm điện. Băng rôn “Tiết kiệm điện vì lợi ích chính gia đình bạn” được treo ở khắp các điểm giao dịch, các điểm thu tiền điện.
Ông Trần Mạnh Sỹ, Phó giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: “Chúng tôi chủ trương tiếp cận trực tiếp đến các hộ tiêu thụ. Các chi nhánh Điện lực đã phát ra trên 14.000 tờ rơi, phát trên 1.200 lần các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện tại đài phát thanh, truyền hình huyện, thành phố”.
Không chỉ tuyên truyền, theo ông Sỹ, cán bộ ngành điện liên tục kiểm tra các hộ tiêu thụ điện lớn để vừa tư vấn các biện pháp tiết kiệm điện đồng thời nhắc nhở các đơn vị lãng phí điện.
Đưa chúng tôi đến Công ty TNHH đúc Thắng Lợi (VICO) ở cụm công nghiệp An Xá, TP.Nam Định, ông Sỹ cho biết: Đây là một điển hình về tiết kiệm điện. Điều đáng quý nhất ở doanh nghiệp này là ý thức tiết kiệm điện được thông suốt từ lãnh đạo đến từng công nhân của công ty.
Ông Phùng Đình Thông, TGĐ công ty cho biết, bộ phận ngốn điện nhiều nhất tại VICO chính là 7 lò nấu kim loại với công suất 1 tấn nguyên liệu/lò nấu trong 2 giờ. Lượng điện tiêu hao cho 1 lò trong 1 giờ là 650-700 KW.
“Với bộ phận này, tôi đã yêu cầu cải tiến quy trình, chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ, thêm các phụ gia và tăng nhiệt để nấu thật nhanh, rút ngắn thời gian nấu từ 2 tiếng/mẻ xuống còn 1,5 tiếng/mẻ, tiết kiệm được khoảng 15% lượng điện tiêu hao so với trước đây”, ông Thông cho biết.
|
Công ty đã đặt 3 công tơ cho 3 phân xưởng (đúc, nhiệt luyện, hoàn thiện) và đưa ra chỉ tiêu lượng điện tiêu hao/tấn sản phẩm. Nếu xưởng nào giảm được lượng điện tiêu hao sẽ được thưởng mức lương tương đương với số tiền họ điện họ tiết kiệm được.
Anh Trần Huy Cường, Quản đốc phân xưởng đúc tỏ ra hồ hởi: “Khi có chủ trương này, anh em trong xưởng chúng tôi đều bảo nhau phải tính toán thật chi ly sao cho dùng điện hiệu quả. Ai cũng coi tiết kiệm điện là việc của mình chứ không phải chỉ là việc của chủ doanh nghiệp, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của mỗi người”.
Tạm ngừng công việc, anh Vũ Văn Trường ở xưởng đúc vui vẻ nói: “Tháng rồi em được tăng lương thêm 15% vì nhóm em đã tiết kiệm được 15% lượng điện tiêu hao, đạt mức thu nhập trên 7 triệu đồng nên ai cũng mừng. Đây là cách làm rất hay, bác Thông chủ doanh nghiệp đã chuyển số tiền điện đáng ra phải nộp cho ngành điện thành chính tiền thưởng cho anh em công nhân, nên cả người lao động và nhà nước cùng được lợi”.
Với các sản phẩm đúc là chi tiết máy xuất khẩu đi Mỹ, châu u, doanh thu của Công ty VICO đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm, tiền điện chi trả một năm khoảng 8 tỷ đồng.
Ông Thông cho biết, vì giá điện tăng cao nên các công đoạn tiêu thụ điện lớn đã được chuyển từ hoạt động ban ngày sang hoạt động ban đêm để hưởng giá điện giờ thấp điểm. Mức điện áp 22 kV, giá điện giờ thấp điểm chỉ là 670 đ/kWh trong khi giờ cao điểm lên tới 1937 đ/kWh. Như vậy, cùng một mẻ sản phẩm, nếu làm đêm, công ty sẽ giảm chi phí tiền điện tới hơn 60% so với làm ban ngày.
Chỉ vào bảng kê chi tiết lượng điện tiêu hao trên 1 kg sản phẩm, ông Thông chứng minh bằng các con số: “Tháng 8.2011, chúng tôi phải chi 1,946đ tiền điện để cho ra 1 kg sản phẩm. Đến tháng 9.2011 chỉ còn 1,896 đ/kg sản phẩm; gần đây tôi thống kê theo tuần, tuần từ 3-10 tháng 12 tiêu hao 1,862 đ/kg sản phẩm. Đến tuần từ 10-17 tháng 12 lại tiếp tục giảm còn 1,812 đ tiền điện/kg sản phẩm. Tôi phấn đấu đến hết quý I.2012 sẽ giảm thêm 10% lượng điện tiêu hao/kg sản phẩm so với mức hiện nay”.
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)