Thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang: Vu lan tháng 7, báo hiếu cha mẹ thế nào?

29/08/2023 10:02 GMT+7

Theo thượng tọa Thích Chân Quang, Vu lan là dịp nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu kính với cha mẹ. Hiếu thảo là bổn phận, lòng yêu thương, sự tôn trọng, sự chăm sóc của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu lan tổ chức vào rằm tháng bảy âm lịch hằng năm là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Đây là dịp nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, từ đó làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Hiếu thảo là đạo lý đẹp của người con đối với cha mẹ. Đạo hiếu nhắc nhở chúng ta phải quan tâm, phải chăm sóc, hiếu kính với cha mẹ - người đã yêu thương, sinh dưỡng mình. PV Thanh Niên đã có cuộc chia sẻ cùng thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) về chủ đề báo hiếu cha mẹ nhân dịp đại lễ Vu lan.

Đạo hiếu trong văn hóa người Việt

Xin kính chào thượng tọa, tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng Vu lan báo hiếu. Theo mọi người hiểu, đây là dịp để tu tập, nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn cha mẹ. Vậy mỗi người nên thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ như thế nào, thưa thượng tọa?

Ở phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, người dân rất coi trọng văn hóa hiếu kính cha mẹ. Đối với cha mẹ còn sống, ta phải bày tỏ lòng thương kính cha mẹ trực tiếp bằng thái độ kính trọng, thương nhớ, ân cần, cử chỉ trìu mến, lễ phép hoặc bằng vật chất thì ta phải nuôi dưỡng, chăm lo việc ăn uống cho cha mẹ được chu toàn đầy đủ… Nhưng quan trọng hơn hết là thái độ tinh thần, làm sao cho cha mẹ được sống vui và hạnh phúc suốt quãng đời còn lại.

Ví dụ, khi còn nhỏ, chúng ta cố gắng phụ giúp việc làm để cha mẹ đỡ cực nhọc, cố gắng giữ mình cho an toàn để cha mẹ bớt lo lắng, cố gắng học hành giỏi giang để cha mẹ vui lòng, không điều gì sai quấy để cha mẹ phải lo lắng. Rồi khi lớn lên, cuộc sống dần dần tách mình ra khỏi vòng tay của cha mẹ, nhưng phải nhớ điều này, chính đạo hiếu kết nối mình lại với cha mẹ.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đại lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Độc Lập

Nếu thế hệ sau cứ tách rời thế hệ trước thì mạch nguồn dân tộc ta từ nghìn xưa đến nghìn sau sẽ bị rời rạc. Sở dĩ nước ta có một lễ giỗ tổ Hùng Vương trang nghiêm, long trọng, quy mô là bởi các thế hệ cứ kết nối ngược về quá khứ, con đối với cha mẹ, cha mẹ với ông bà… kết nối lên đến Quốc tổ. Đạo hiếu chính là một di sản văn hóa của dân tộc ta, chính đạo hiếu đã giúp mạch nguồn của dân tộc được liên tục, vững chắc.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đại lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ thế nào? 

Còn ở phạm vi hẹp hơn, cha mẹ là người đã sinh thành nuôi dưỡng ta nên người, nên đạo lý buộc ta phải có trách nhiệm yêu kính chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Nếu ta không hiếu kính cha mẹ thì lương tâm ta bị cắn rứt, dư luận sẽ lên án và thậm chí là pháp luật trừng phạt. Đạo hiếu giúp cho ta có một cuộc sống ý nghĩa.

Hiếu thảo là đạo đức, đạo lý của người con đối với cha mẹ, trong đó, về mặt tinh thần, người con thương kính cha mẹ trọn lòng, còn về mặt vật chất thì người con nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ chu đáo, nếu cha mẹ mất thì người con thờ cúng đàng hoàng. Hiếu thảo vừa là tình thương yêu có tính tự nguyện vừa là bổn phận có tính bắt buộc.

Thượng tọa Thích Chân Quang

Trong đạo Phật, Vu lan là ngày mà mọi người được nhắc nhở về lòng hiếu kính cha mẹ. Cứ mỗi năm là ta được nhắc một lần trong suốt cuộc đời và từ đời này đến đời khác, thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau.

Tuy nhiên, dù cha mẹ ta đã vắng bóng, ta vẫn luôn hiếu thảo bằng cách thờ tự, cúng tế nghiêm trang chu đáo. Ngày Vu lan còn có ý nghĩa là ngày xá tội vong nhân. Khi đó, nhân việc cúng thức ăn, tụng kinh cho cha mẹ nghe, ta sẽ mời các vong nhân trong cõi giới siêu hình cùng thọ dụng vật thực và nghe kinh, vì biết đâu ở nơi này, cha mẹ ta cũng đang hiện diện với các vong nhân. Ý nghĩa của ngày Vu lan rất nhân văn, cao đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Nhắc đến đạo làm con, người ta nhắc ngay đến hai từ: hiếu thảo. Hiểu về hiếu thảo thế nào là đúng, thưa thượng tọa?

Hiếu thảo là đạo đức, đạo lý của người con đối với cha mẹ, trong đó, về mặt tinh thần, người con thương kính cha mẹ trọn lòng, còn về mặt vật chất thì người con nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ chu đáo, nếu cha mẹ mất thì người con thờ cúng đàng hoàng. Hiếu thảo vừa là tình thương yêu có tính tự nguyện vừa là bổn phận có tính bắt buộc.

Hiếu thảo với cha mẹ sẽ dễ dàng, đơn giản nếu người con độc thân không có gia đình riêng. Còn khi người con lớn lên, có gia đình riêng không hề dễ dàng như lúc trước bởi trách nhiệm với gia đình riêng rất nặng, trách nhiệm với vợ/chồng, việc chăm lo nuôi dưỡng dạy dỗ con cái, lo toan về tài chính, bổn phận với gia đình hai bên nội, ngoại… Những điều đó khiến lòng hiếu thảo của chúng ta với cha mẹ có thể sẽ không trọn vẹn.

Nếu một người trong tâm không có sẵn sự hiếu kính cha mẹ thì khi có gia đình riêng, họ sẽ dễ xao nhãng, quên đi trách nhiệm thiêng liêng với cha mẹ. 

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đại lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 2.

Theo thượng tọa Thích Chân Quang, người Việt Nam rất coi trọng văn hóa hiếu kính với cha mẹ

Độc Lập

Thực tế có một số gia đình, cha mẹ có nhiều người con, nhưng các con tị nạnh với nhau, không ai chịu chăm lo cho cha mẹ, khiến cho cha mẹ tủi thân, có khi phải sống khổ cực. Vậy nên cho dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, ta cũng không được tị nạnh nhau. Đối với cha mẹ, ta phải trọn lòng hiếu kính, ai chăm sóc cha mẹ được thì chăm sóc, còn ai không chăm sóc được phải thấy đó là điều đau khổ, thiếu sót, phải biết tự hổ thẹn với lương tâm.

Cha mẹ ngày càng già yếu, ngày càng lệ thuộc, không thể có nhiều đóng góp cống hiến nữa, hoàn toàn sống lệ thuộc dần dần vào các con của mình. Nếu người con không có đạo đức thì họ dễ bày tỏ thái độ tiêu cực, cho rằng cha mẹ là những người vô dụng, rồi khởi tâm coi thường, làm cho cha mẹ rất đau lòng, khổ sở.

Hiếu thảo thực sự là một đạo đức thẳm sâu của người dân Việt Nam và rất khó thực hiện. Mặc dù đạo lý của tiền nhân về lòng hiếu thảo là rõ ràng đầy đủ, nhưng mỗi người phải tự mình tu dưỡng đạo lý này, phải tự ép mình thương kính cha mẹ thì mới có thể dần đạt được điều đó.

Ở nhiều quốc gia khác, khi con người đến tuổi già thì nhiều người phải vào sống trong các viện dưỡng lão, họ biết rất rõ rằng những người con không thể chăm lo cho họ, vì các con còn bận lo cho gia đình riêng của mình. 

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đại lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 3.

Thượng tọa Thích Chân Quang cho biết, Vu lan là ngày mà mọi người được nhắc nhở về lòng hiếu kính cha mẹ

Độc Lập

Ở Việt Nam, qua các thế hệ, người con đa phần không hề muốn để cha mẹ vào sống trong viện dưỡng lão, họ thật sự muốn nuôi dưỡng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ dù việc này là vất vả tốn kém. Khi người con chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, đó là "gánh nặng" đối với người con, nhưng thực sự, xã hội đã đỡ đi gánh nặng rất nhiều, nhất là ngân sách nhà nước, nhiều chi phí khác của cộng đồng cũng được giảm bớt.

Khi người con nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, cha mẹ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì họ được ở gần con của mình. Thực tế, con cái do bận rộn nên ít về thăm cha mẹ của mình, thậm chí có những người con trong nhiều năm không về lại quê hương. Do đó, nếu được sống cạnh người con của mình, sẽ là hạnh phúc vô bờ của cha mẹ già.

Thực tế có một số gia đình, cha mẹ có nhiều người con, nhưng các con tị nạnh với nhau, không ai chịu chăm lo cho cha mẹ, khiến cho cha mẹ tủi thân, sống khổ cực. Vậy nên cho dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, ta cũng không được tị nạnh nhau. Đối với cha mẹ, ta phải trọn lòng hiếu kính, ai chăm sóc cha mẹ được thì chăm sóc, còn ai không chăm sóc được phải thấy đó là điều đau khổ, thiếu sót, phải biết tự hổ thẹn với lương tâm.

Thượng tọa Thích Chân Quang

Nếu nhiều thế hệ cứ tiếp nối duy trì bài học quý giá này, thì truyền thống văn hóa hiếu thảo tốt đẹp này sẽ được truyền đời đời, không gián đoạn từ Quốc tổ, tổ tiên đến các đời con cháu sau này. Nhờ điều này, ta có thể yêu được Quốc tổ, yêu được đất nước của ta, vì mạch sống vì sợi dây thiêng liêng vô hình ấy cứ được duy trì mãi, không gián đoạn. Đây là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam mà nhiều quốc gia khác khó có được.

Hiếu thảo ngày nay

Trong xã hội hiện tại, luôn có nhiều giải thưởng trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng có vẻ một giải thưởng về lòng hiếu thảo thì ít thấy. Thượng tọa nghĩ sao về điều này?

Thường thì chúng ta trao giải thưởng cho những cuộc thi mà xã hội quan tâm nhất như: cuộc thi văn chương, sắc đẹp, ca hát, thể thao hay các cuộc thi về toán, lý, y học, thiên văn… Nếu chúng ta tổ chức thêm các cuộc thi để tôn vinh những người con hiếu thảo, nhiều hơn nữa cuộc thi tôn vinh người tử tế, những người thích làm những việc thiện nguyện thì mỗi người sẽ được nhắc nhở, có ý thức phấn đấu, cố gắng sống tử tế và hiếu thảo.

Khi đạo đức được lan tỏa trong xã hội thì hiệu quả của mọi hoạt động lao động, sản xuất, học tập… sẽ tăng lên rất nhiều lần so với trước. Đơn cử như ở trong một công ty, nếu tất cả nhân viên đều sống tử tế, thường giúp đỡ lẫn nhau, thường quan tâm đến người khác, xem đồng nghiệp của mình có đang làm việc thuận lợi không, có khỏe không, có cần giúp đỡ gì không… thì không bao lâu công ty đó phát triển vượt bậc.

Do đó, chính những giải thưởng cho người sống tử tế, người sống có đạo đức, người làm việc thiện nguyện, người hiếu thảo… là yếu tố góp phần thúc đẩy đất nước phát triển vượt bậc.

Xã hội ngày hiện đại, đi kèm với nó là hiện tượng "ít tương tác trực tiếp" cùng nhau giữa những con người trong một gia đình. Chiếc điện thoại trở thành trung gian trong những cuộc giao tiếp, vậy phải chăng điều đó cũng sẽ khiến con cái – cha mẹ có thêm khoảng cách?

Điện thoại có thể kết nối ta với những con người ở ngoài đường, nhưng lại đang kéo rời ta xa hơn với những người thân trong gia đình, và những người đang ngồi bên cạnh ta. Điều này khiến cho những mối quan hệ thiêng liêng, gần gũi, cần thiết, quan trọng lại trở nên lỏng lẻo đi. Đây là một "nghịch lý" của thời đại.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đại lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 5.

Bài học Hiếu kính cha mẹ là bài học đầu tiên trong các khóa tu mùa hè tại Thiền tôn Phật Quang

NVCC

Con người tưởng chừng có nhiều bạn bè hơn, sống tình cảm hơn, kết nối nhiều hơn, nhưng lại đang đánh mất rất nhiều. Những mối quan hệ của ta với những người ngoài xã hội, đôi khi cũng cần thiết, nhưng không bao giờ là thiêng liêng và nền tảng như mối quan hệ giữa ta với những người thân yêu trong gia đình. Những đứa bé không còn để ý cha mẹ nhiều kể từ khi chúng sử dụng điện thoại để kết nối với thế giới ngoài kia. 

Những điều cha mẹ dạy dỗ có thể sẽ không còn hấp dẫn, không còn được quan tâm bằng lời nói của bạn bè hay cả những thứ chưa được kiểm duyệt trên mạng. Xã hội đang không thể cưỡng nổi, và không thể ngăn cản sức mạnh của chiếc điện thoại.

Để kiềm chế được điều này, ta cần có những thông điệp kiểu như: "Dùng công nghệ này để kết nối người thân trong gia đình của bạn nhiều hơn". Những câu nói như vậy nên được cài đặt ngay khi điện thoại được mở lên hoặc được treo trịnh trọng trong nhà, ở trường học, nó sẽ giúp mọi người có ý thức lại về tình cảm nơi mái ấm gia đình thiêng liêng.

Báo hiếu cha mẹ thế nào?

Nếu không có điều kiện sống cùng gia đình và cha mẹ, chúng ta sẽ báo hiếu đấng sinh thành như thế nào, thưa thượng tọa?

Đây là một hiện tượng xã hội mà ngày nay đã trở nên rất phổ biến, hầu hết những người con sớm phải xa cha mẹ, còn cha mẹ vì nghĩ đến tương lai của con đã chấp nhận để con mình đi tìm sự nghiệp, riêng mình thì ở lại quê nhà. Có những ngôi làng vắng bóng người trẻ, chỉ còn những ông bà cụ sống lủi thủi với nhau. 

Khi đã ở xa, chúng ta buộc phải sắp xếp thời gian để gọi điện thăm hỏi, phải dùng điện thoại để kết nối tình thân. 

Thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang: Vu lan tháng 7, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 8.

Theo trụ trì Thiền tôn Phật Quang, hiếu thảo là đạo đức, đạo lý của người con đối với cha mẹ

Độc Lập

Chúng tôi nhớ có một câu chuyện, có một ông cụ đem điện thoại ra tiệm để sửa, ông nghĩ điện thoại hư nên lâu rồi không thấy con gọi về thăm. Nhưng khi ra tiệm sửa điện thoại, người thợ mới bảo là điện thoại còn dùng tốt. Hóa ra, do người con không gọi về thăm, ông cụ mòn mỏi trông ngóng nghĩ là điện thoại hư. Thế rồi ông cụ đáng thương lủi thủi ra về. Người cha trong câu chuyện luôn ngóng chờ đứa con ở xa, chỉ mong làm sao nghe được tiếng nói của con mình để biết rằng con còn thương mình vì mình rất thương nó. 

Thực sự, nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Lòng cha mẹ thương con luôn lớn hơn lòng con thương cha mẹ, đây là một quy luật tâm lý tự nhiên của con người. Mà chỉ những ai có đạo đức, có trí tuệ mới có thể thay đổi được quy luật khắc nghiệt ấy. Nếu để tự do theo bản năng, thì ta chỉ biết thương con mình. Loài người với trí tuệ đạo đức phải lật ngược lại tâm lý ấy để biết thương kính cha mẹ.

Nếu một người đang ở hoàn cảnh xa cha mẹ, thì người ấy sẽ thể hiện lòng hiếu kính cha mẹ bằng vật chất và cả tinh thần. Về vật chất, người con tùy theo điều kiện mà sẽ san sẻ thu nhập để giúp cha mẹ mình. Người đó có khi còn có trách nhiệm với cha mẹ bên chồng, hoặc có cha mẹ bên vợ gặp khó khăn, có khi bên này cần nhiều hơn, có khi bên kia cần nhiều hơn. Họ đang phải cố gắng xoay xở, sắp xếp sao cho hợp lý, nhưng dù tình cảnh có thế nào đi nữa thì ta vẫn không thể bỏ trách nhiệm phụng dưỡng khi đang ở xa.

Một điều khác rất quan trọng là sự kết nối, điện thoại có thể đẩy ta ra xa khỏi gia đình, thì giờ đây sẽ giúp kết nối ta lại với mái ấm. Ta nên liên lạc điện thoại mỗi ngày, nói những lời ái ngữ để cho cha mẹ đẹp lòng. Trong các lớp sinh hoạt đạo đức mùa hè, chúng tôi thường dặn các em học sinh là quan điểm giữa các con và cha mẹ đôi khi khác nhau, nhưng các con phải vâng lời trước, còn đúng sai sẽ tính sau. Nếu ta cố chấp bảo vệ quan điểm của ta trước thì ta sẽ làm tổn thương cha mẹ, mà làm tổn thương cha mẹ là vấn đề nghiêm trọng.

Thực sự, nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Lòng cha mẹ thương con luôn lớn hơn lòng con thương cha mẹ, đây là một quy luật tâm lý tự nhiên của con người. Mà chỉ những ai có đạo đức, có trí tuệ mới có thể thay đổi được quy luật khắc nghiệt ấy. 

Thượng tọa Thích Chân Quang

Do đó, khi giao tiếp với cha mẹ, ta phải gạt cái quan điểm đúng sai qua một bên. Đôi khi cha mẹ mình không cập nhật kiến thức bằng mình, nhưng ta cứ vâng lời cha mẹ trước đã. Quan điểm đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc của cha mẹ, ta cứ nên "dạ vâng" trước.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải luôn có cách để theo dõi sức khỏe cha mẹ từ xa. Mình không chỉ giữ số điện thoại của cha mẹ, mà còn phải giữ liên lạc thường xuyên với những người ở gần gia đình, đó là hàng xóm, láng giềng. Có khi lâu quá không về nhà để phụng dưỡng cha mẹ, ta phải nhờ hàng xóm sang thăm nom cha mẹ của mình.

Đây là những điều mà người con đang ở nơi xa có thể làm được cho cha mẹ mình.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn của dịp Vu lan là biết ơn. Xin hỏi thượng tọa đó là những ơn nào?

Hiểu theo nghĩa rộng hơn của dịp Vu lan là biết ơn tất cả ơn nghĩa mình đã nhận trên cuộc đời. Có nhiều ân nghĩa trên cuộc đời này như khi ta đau buồn, có người đến nói vài lời an ủi, khi ta phạm sai lầm, có ai đó đến khuyên nhủ ta, khi ta đi trên đường nóng bức giữa trưa nắng mùa hè, có ai đó đã cho ta chai nước… vô số ân nghĩa mà ta không thể kể hết. Đạo Phật thường đề cập đến 4 ơn nghĩa quan trọng (Tứ Trọng Ân):

Thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang: Vu lan tháng 7, báo hiếu cha mẹ thế nào? - Ảnh 10.

Trụ trì Thiền tôn Phật Quang khuyên Phật tử hãy dùng điện thoại kết nối với các thành viên trong gia đình trước khi kết nối với thế giới bên ngoài

NVCC

Ơn của Đức Phật: Người đã cho ta đạo lý tu hành vô cùng quý giá. Nhờ đạo lý đó mà ta sống chuẩn mực, có tu dưỡng, biết tạo công đức… để cuộc đời an vui hạnh phúc hơn.

Ơn cha mẹ: Những người đã sinh thành và vất vả nuôi dưỡng ta trên cuộc đời này.

Ơn thầy tổ: Gồm thầy cô truyền dạy kiến thức và thầy dạy đạo lý sống cho ta. Cha mẹ cho ta thể xác, nhưng thầy tổ cho ta tâm hồn, kiến thức và đạo lý để ta sống và tu dưỡng.

Ơn vua và ơn đất nước (thường được gọi là Ơn quốc vương và thủy thổ): Đây là một ân nghĩa đặc biệt mà chỉ đạo Phật mới nhắc đến. Ta phải là một công dân tốt biết tuân thủ pháp luật để những người cán bộ dễ quản lý. Với thầy cô giáo, với thầy tổ (trong tôn giáo, tông môn), ta không những phải cố gắng thực hành đạo lý kiến thức, mà còn phải bày tỏ sự thương yêu, tôn kính của mình.

Đối với cha mẹ, ta phải hiếu thảo chu toàn. Còn đối với Đức Phật là cả sự biết ơn bao la bởi những chân lý mà Người cho ta cực kỳ quý giá. Những giá trị to lớn của lòng từ bi, sự bao dung tha thứ, đạo lý về vô ngã, thiền định, phương pháp tu hành để đạt được sự giác ngộ… là những giá trị không thể diễn tả bằng lời. Ta chỉ có thể đền ơn Phật bằng sự nỗ lực, tinh tấn thực hành những lời Phật dạy và giáo hóa, khuyến khích mọi người cùng biết tu hành.

Sống biết ơn có quá khó không, thưa thượng tọa?

Chúng tôi có soạn bài nhạc tên là Trĩu nặng ơn đời, trong đó có câu cuối: "Mang ơn nhiều nên đâu dám, làm người không biết thương yêu". Có những ơn nghĩa trên đời ta không đền ơn được, vì ngày xưa do không có kết nối nên ân nhân của ta nay đã xa rồi. Rồi cũng có những ơn nghĩa, công lao vô hình mà ta không thấy hoặc không biết từ đâu. 

Rồi cũng có những ân nghĩa ta biết, ta có thể đền ơn được. Có những ơn nghĩa ta biết mà ta không còn cơ hội để đền ơn, và có những ơn nghĩa vô hình thực sự ta không hề biết. Nhưng ta chỉ cần ý thức một điều, ta có mặt trên cuộc đời này là ân nghĩa bủa vây cuộc đời ta.

Như vậy bổn phận của chúng ta là phải yêu thương, phụng sự, cống hiến. Cách mà ta sống yêu thương, phụng sự, cống hiến chính là đền ơn quá khứ cũng như là đền ơn cho hiện tại và đền ơn cho tương lai. Mãi mãi mình là một con người sống hy sinh, vị tha thương yêu tất cả. Đó là cách mà ta sống biết ơn.

Qua các buổi tiếp xúc với Phật tử những buổi giảng pháp ở khắp nơi, thầy thấy sự hiếu thảo trong cuộc sống ngày nay có biểu hiện thế nào, và thầy có lời khuyên gì cho mọi người?

Đối với những phật tử đã nhiều năm theo chúng tôi tu hành, được dạy về đạo lý hiếu kính cha mẹ, thì chúng tôi cho rằng họ là những người thực hành đạo lý này rất tốt. Nhưng đối với thế hệ con cháu của họ, các cháu bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, các cháu bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tự do cá nhân, cái tôi (cá tính) của các cháu lớn dần. Các cháu ít vâng lời, hay cãi lý với cha mẹ, đôi khi xấc xược hỗn láo. Sự yêu kính đối với cha mẹ vì thế mà mà có thể phai nhạt.

Do đó, gần 30 năm qua, chúng tôi có tổ chức các khóa sinh hoạt đạo đức mùa hè ở chùa Thiền tôn Phật Quang và ở khắp nơi, để cho con cháu của Phật tử vào đó học. Chùa mình là đơn vị tổ chức đầu tiên, sau đó hoạt động này trở nên phổ biến, các chùa khác cũng tham khảo theo để tổ chức.

Lợi ích mà các khóa sinh hoạt hè này mang lại là rất lớn. Có nhiều đạo lý mà đôi khi phụ huynh không dạy các cháu được, nhưng khi đến chùa để học, các cháu sẽ được quý thầy cô dạy rất kỹ. Bài học quan trọng đầu tiên mà tất cả các khóa hè luôn có là bài Hiếu kính cha mẹ. Các thầy cô phân tích cho các cháu hiểu và buộc các cháu phải giữ được đạo đức này. Vì chỉ khi ta giữ được đạo đức hiếu kính cha mẹ, thì ta mới giữ được giá trị của bản thân chúng ta, giữ được văn hóa và đất nước nước Việt Nam. Đạo hiếu thật sự quan trọng lắm.

Xin cảm ơn thượng tọa về buổi chia sẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.