Việc UBND Q.10 (TP.HCM) đang và sẽ tổ chức cưỡng chế “cắt ngọn” 7 công trình cao tầng vi phạm, dù là sửa sai do chủ đầu tư hay sửa sai do cán bộ công quyền buông lỏng quản lý, cũng đều hướng đến mục tiêu lập lại trật tự xây dựng, giữ vững sự tôn nghiêm của pháp luật.
Trong thời gian dài, tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt ở khu vực ngoại thành dẫn đến hệ lụy hàng trăm căn nhà không phép bị tháo dỡ, người dân nghèo lâm vào cảnh trắng tay.
Chứng kiến cảnh đó, nhiều lãnh đạo TP.HCM nói rằng “rất xót xa” nhưng để giữ kỷ cương pháp luật thì vẫn phải làm. Vậy nên, việc xử lý những công trình sai phép của chủ đầu tư như: xây vượt tầng, tăng diện tích, ban công lấn ra ngoài... ở khu vực nội thành luôn nhận được sự đồng tình của dư luận, bởi quy hoạch khu trung tâm đã được phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp thì không có lý do gì biện minh cho việc xây dựng sai phép.
Việc thực thi pháp luật cần phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần xã hội. Trong số những công trình sắp bị cưỡng chế ở Q.10, có một số công trình mà chủ đầu tư là đại diện pháp luật của doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam (VAIDE). Các doanh nghiệp này được kết nạp sau thời điểm các công trình vi phạm xây dựng và sau thời điểm bị xử phạt hành chính. Thiếu tướng Lê Mã Lương, Chủ tịch VAIDE, cũng nói rằng “luôn nhắc anh em phải thượng tôn pháp luật” trong chuyện sản xuất, kinh doanh.
Thượng tôn pháp luật không phải là câu nói suông kiểu hô hào khẩu hiệu, nó đến từ sự nhận thức và hành động của mỗi người trước các quyết định của cơ quan công quyền. Đã sai thì phải chấp nhận hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Và ở phía ngược lại, chính quyền dứt khoát không “du di” với cái sai rành rành, kéo dài.
Bình luận (0)