Thượng tướng Tô Lâm: Khẳng định thương hiệu 'Cảnh sát Kinh tế VN'

10/08/2016 15:17 GMT+7

Theo thượng tướng Tô Lâm, lực lượng cảnh sát kinh tế không ngừng lớn mạnh về mọi mắt, ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam”.

Ngày 10.8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm (10.8.1956 - 10.8.2016) ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Kinh tế (nay là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng) và trao Huân chương Quân công hạng Nhất cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và tham nhũng (C46).
Phát hiện, điều tra nhiều "đại án"
Tại buổi lễ kỷ niệm, thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường, tham ô tài sản nhà nước, nhất là trong cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam. Có thể kể đến những vụ án điển hình như vụ tham ô gạo của Tạ Tấn Sơn, vụ tham ô tại Công ty hóa chất vật liệu điện TP.HCM, vụ tham ô tại Công ty vận tải Hà Sơn Bình… Điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn như vụ án tại Trạm Kiểm soát liên hợp Đồng Bành (Lạng Sơn); vụ mua bán 4.000 tấn thép thu lợi bất chính ở công trình đường dây 500 KV, truy tố ông Vũ Ngọc Hải (nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng); vụ tham ô, cố ý làm trái tại Công ty Dệt Nam Định; vụ Lã Thị Kim Oanh…
Lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận đánh giá cao; ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam”

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an 


Từ năm 2007, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án như trốn thuế tại Công ty Grobet và gian lận thuế ở 122 doanh nghiệp nước ngoài, gây thiệt hại trên 70 tỉ đồng; vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái tại 14 Bưu điện trong cả nước gây thiệt hại 36 tỉ đồng...
Bên cạnh đó, C46 đã điều tra xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng như Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỉ đồng; vụ Nguyễn Đức Kiên sử dụng sở hữu chéo tạo vốn ảo thâu tóm ngân hàng, phục vụ lợi ích nhóm, gây thiệt hại 1.600 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (chủ tịch ngân hàng Xây dựng) gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng; vụ Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) gây thiệt hại 18.000 tỉ đồng… Qua công tác điều tra đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ bịt kín những sơ hở thiếu sót không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, không biên giới
“Trải qua 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng cảnh sát kinh tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt... Lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận đánh giá cao; ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam”, thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo thượng tướng Tô Lâm, thời gian tới, tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng về cả số lượng, quy mô, tính chất, mức độ nguy hiểm. Các loại tội phạm đều có thể sử dụng công nghệ cao với đặc điểm nổi bật là không biên giới, phát tán nhanh trên phạm vi toàn cầu để hoạt động phạm tội, nhất là trên các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, viễn thông, văn hóa, du lịch…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.