Dự án thủy điện Đăk Psi 2 được xây dựng tại xã Tê Xăng, có công suất 3,4 MW với tổng mức đầu tư 131 tỉ đồng. Dự án được xây dựng từ tháng 6.2019, dự kiến hoàn thành, bắt đầu sản xuất, kinh doanh cung cấp dịch vụ từ quý 3/2023. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, thủy điện Đăk Psi 2 còn nợ tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ ngừng sản xuất của 36 hộ dân xã Tê Xăng với tổng số tiền khoảng hơn 1,4 tỉ đồng.
Thủy điện Đăk Psi 2 chậm trễ đền bù, khiến người dân bức xúc |
H.P |
Cơ quan thường trực Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư H.Tu Mơ Rông đã nhiều lần thông báo cho chủ đầu tư để thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ và chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống, nhưng đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 2 vẫn chưa chịu chi trả tiền bồi thường cho dân.
Theo ông A Đê, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, việc thủy điện chậm đền bù đã gây khó khăn cho người dân trên địa bàn. Vì thế, địa phương mong muốn thủy điện sớm đền bù để dân ổn định sinh sống. Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho hay hiện Công ty CP thủy điện Ry Ninh II - Đăk Psi (chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Psi 2) đang làm tờ trình xin gia hạn dự án. Sau khi gia hạn xong, sẽ tổ chức đền bù cho người dân.
Theo ông Mạnh, UBND H.Tu Mơ Rông cũng liên tục nhắc nhở thủy điện Đăk Psi 2 tổ chức đền bù, hỗ trợ cho dân, nếu không thực hiện, huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý. Còn ông Hồ Văn Tuệ, Giám đốc Công ty CP thủy điện Ry Ninh II - Đăk Psi, thì cho rằng công ty đang làm báo cáo giải trình về việc chậm đền bù theo yêu cầu của Sở Công thương tỉnh Kon Tum và đang huy động tiền để trả cho dân. Khoản tiền này gồm vay ngân hàng và huy động vốn từ cơ cấu lại cổ đông. Dự kiến phải đến tháng 11.2022, đơn vị mới có tiền để đền bù cho dân.
Ông Hồ Văn Tuệ cũng cho biết hiện giấy chứng nhận đầu tư của thủy điện Đăk Psi 2 đã hết hạn và đơn vị đang làm hồ sơ xin gia hạn. Việc chưa được gia hạn khiến cho quá trình thi công dự án phải tạm ngưng. Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, dẫn đến phải xin gia hạn có nhiều lý do, như công tác thỏa thuận đấu nối, điều chỉnh diện tích rừng ra khỏi dự án đã kéo dài thời gian.
Với tình trạng dùng dằng như vậy, người dân bị thiệt hại vẫn phải chờ không biết đến bao giờ?
Bình luận (0)