Thủy điện gây nhiều hệ lụy ở Tây nguyên

23/07/2016 07:49 GMT+7

Từ năm 2008 - 2014, Tây nguyên mất đi 358.700 ha rừng (trung bình mỗi năm có 51.200 ha rừng bị mất), kéo theo hệ thống sông ngòi, suối, hồ chứa nước… đang cạn kiệt.

Đó là đánh giá tại hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên do Ban Chỉ đạo Tây nguyên phối hợp Mạng lưới sông ngòi VN, Trung tâm con người và thiên nhiên tổ chức ngày 22.7 tại TP.Pleiku (Gia Lai).
Ban Chỉ đạo Tây nguyên cho hay từ năm 2008 - 2014, Tây nguyên mất đi 358.700 ha rừng (trung bình mỗi năm có 51.200 ha rừng bị mất), kéo theo hệ thống sông ngòi, suối, hồ chứa nước… đang cạn kiệt. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy đến tháng 4.2016, 5 tỉnh Tây nguyên có 160.000 ha cây trồng thiếu nước tưới, mỗi tỉnh thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.
TS Đào Trọng Tứ, thuộc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng hệ lụy tác động đến nguồn nước ngầm có việc xây dựng các dự án thủy điện ở Tây nguyên. Tính đến cuối năm 2015, Tây nguyên có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng trên các sông, suối, với tổng công suất thiết kế là 7.923 kW (20% công suất hệ thống điện quốc gia), nộp ngân sách 6.500 tỉ đồng. Thế nhưng việc phát triển thủy điện đã đánh đổi những mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế không hề nhỏ: diện tích rừng và nông nghiệp bị mất, cảnh quan thiên nhiên thay đổi. “Vì vậy, không nên phát triển thủy điện ở Tây nguyên nữa và đó cũng là yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tây nguyên”, TS Tứ nói.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận, kiến nghị đã nêu ra nhiều giải pháp về chính sách, kỹ thuật nhằm giúp Tây nguyên ứng phó với thách thức về nguồn nước trong dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.