TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), cho rằng sâu xa sau việc thủy điện mùa kiệt gây khô cạn, mùa lũ lại gây lũ chồng lũ cho hạ lưu là câu chuyện quy hoạch thủy điện và trách nhiệm Bộ Công thương, cũng như người đứng đầu là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
TS Vũ Trọng Hồng - Ảnh: M.Hà |
Chỉ nhằm mục đích kinh doanh
|
Trả lời Thanh Niên, TS Vũ Trọng Hồng cho biết trừ các hồ chứa thủy lợi dung tích khoảng 10 tỉ m3, các hồ thủy điện đang chiếm tới 80 tỉ m3 nước (trong tổng số 300 tỉ m3 nước nội địa của VN). Tuy nhiên, không thể trông đợi nhiều vào 80 tỉ m3 này vì thủy điện sử dụng không theo mục đích người dân mà chỉ phục vụ mục đích kinh doanh. Lẽ ra, bất kỳ hồ sử dụng tài nguyên nước nào cũng phải có trách nhiệm tích nước rồi phải xả ra. Phải tính đủ nhu cầu ngoài nước cho phát điện còn nước cho tưới tiêu, nước môi trường... nhưng chỉ các hồ lớn như Sơn La, Hòa Bình mới tính dung tích mùa khô xả bao nhiêu, chống lũ bao nhiêu, thủy điện miền Trung không có cái này.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng bồi lấp, cạn kiệt do thủy điện nắn dòng, không trả nước về sông mẹ đang để lại hậu quả rất lớn cho nhiều địa phương?
Câu chuyện chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực sông kia là rất lớn, luật Tài nguyên nước yêu cầu phải xin phép. Khi còn là Bộ Thủy lợi chúng tôi không cho phép chuyển dòng nước, vì không chỉ là trả nước về mà quan trọng là nước thấm vào đất nuôi cây lớn. Chuyển nước là chiến lược sai lầm, như thủy điện Đắk Mi 4 đã gây tranh cãi nhiều, phải trả nước về sông Vu Gia. Phải truy trách nhiệm ai cho phép chuyển dòng gây ra hệ lụy tại các địa phương có liên quan.
Nhiều người đã đặt ra vấn đề phải loại bỏ dự án thủy điện nhỏ. Cần loại bỏ vì thủy điện nhỏ tích nước mùa khô, không chịu xả gây khô kiệt hạ lưu. Nếu mùa khô nhả nước thì ít nhất 30 năm doanh nghiệp (DN) mới có lãi, nhưng không DN nào chịu.
Không chỉ gây khô kiệt, mà thủy điện còn là tác nhân chính gây lũ chồng lũ ở miền Trung thời gian qua. Theo ông, để tình trạng trên xảy ra, lỗi này nằm ở phía nào?
Lỗi không chỉ của chủ hồ mà của người duyệt quy hoạch là Bộ Công thương. Theo tôi Bộ Công thương phải sửa, rà soát lại các hồ chứa, quy định nước sử dụng được bao nhiêu cho phát điện, bao nhiêu phải trả cho hạ lưu, tích để chống lũ. Chừa dung tích phòng lũ để khi lũ về còn sức chứa.
Không nên làm hồ chứa ở miền Trung. Bởi vì vùng này dung tích hồ chứa rất nhỏ, nước về là tràn ngay, không có dung tích phòng lũ. Rừng miền Trung đang bị cao su lấn chiếm, hậu quả thủy điện mất rừng, không có nước ngầm nên mùa lũ chảy rất mạnh, mùa khô không có nước. Trước đây Bộ Thủy lợi có nghiên cứu và thấy miền Trung không nên làm hồ chứa, kể cả hồ chứa nhỏ vì đỉnh lũ có thể nhỏ nhưng kéo rất dài. Bây giờ chúng ta đang nhận hậu quả từ xây dựng thủy điện bậc thang và hồ chứa tại miền Trung. Vì mỗi chủ hồ một mục tiêu khác nhau, Bộ Công thương không điều hành được, nên mới có tình trạng các hồ xả lũ đồng loạt khiến đỉnh lũ lên cao và kéo dài. Nếu lũ tự nhiên đỉnh lũ cao nhưng lũ ngắn, như Can Lộc (Hà Tĩnh) lũ tối đa chỉ 3 ngày, nhưng giờ kéo đến 7 ngày thì dân quá khổ.
Có khuyết điểm phải nhận
Cảnh báo xả lũ thủy điện còn kém Đó là nhận định của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào hôm qua 20.11, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết: “Vừa rồi lũ lớn, bà con thấy nước lên nhanh, đột ngột là do hệ thống cảnh báo lũ của thủy điện Đăk Mi 4 chưa tốt”. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, bức xúc: “Trong 2 tiếng đồng hồ nước lũ từ báo động 1 lên báo động 3”. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đặc biệt, tôi quan tâm đến thông tin lũ vừa rồi vẫn có người dân nói rằng: tôi không biết xả lũ, tôi ngủ dậy mới biết là lũ về. Cái này là do hệ thống báo động của mình có vấn đề”. Hoàng Sơn
Cần “chữa” lại thực trạng này bằng giải pháp nào?
Trước hết Bộ Công thương phải đánh giá lại các hồ chứa đang có vấn đề, xem hồ nào có thể tích mùa lũ xả mùa khô, hồ chứa nào không làm được thì chuyển sang vận hành theo kiểu đập dâng, nước đến bao nhiêu xả bấy nhiêu, mùa lũ xả không giữ lại.
Quan trọng nhất là phải chữa lại bằng mặt chính sách. Rà soát các hồ chứa, nếu vận hành đơn hồ thì sửa quy trình vận hành. Cơ quan chủ quản (Bộ Công thương) phải giúp chủ đập tính toán được, thủy văn đã có dự báo để cắm mốc cho người dân biết, tính toán lại sinh hoạt, sản xuất.
Vận hành liên hồ hiện rất khó, không thể để mỗi hồ một chủ đầu tư riêng lẻ, mà cần lập lại hệ thống, quản lý chung một đầu mối. Nhà nước phải vào quản lý. Dù đã có quy trình vận hành liên hồ nhưng không có giá trị thực tế, chủ hồ có thể ban ngày xả nhưng ban đêm đóng cửa tích nước không làm gì được họ.
Vậy ai sẽ thực hiện các biện pháp này? Bộ Công thương không có đội ngũ làm vấn đề hồ chứa có nên tích lũ, làm đập dâng nên chỉ viết trên lý thuyết về quy trình vận hành. Phải đưa đội ngũ giỏi, thu hút chuyên gia vào để giải quyết.
Mấu chốt vấn đề vẫn là bài toán quy hoạch và quản lý thủy điện. Nhưng người chịu trách nhiệm chính là Bộ Công thương và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dường như đang không nhận đúng phần trách nhiệm?
Báo cáo Bộ Công thương trước Quốc hội nói quy hoạch thủy điện vừa qua có sai sót (Bộ này cũng đã phải loại hơn 400 dự án thủy điện nhỏ và vừa), thì phải đứng ra sửa sai. Đến lúc này không phải là kỹ thuật, mà là quản lý nhà nước. Vừa rồi Bộ nói quản lý nhà nước với các thủy điện nhỏ đã giao cho địa phương. Nhưng giao quyền cho địa phương, còn quản lý nhà nước không giao vì Bộ Công thương vẫn phải kiểm tra, xử lý. Phải xem lại trách nhiệm, đã có khuyết điểm phải khắc phục mà thôi.
Mai Hà (thực hiện)
>> Thủy điện giết sông - Kỳ 1
>> Thủy điện giết sông - Kỳ 2: Những dòng sông chết dần mòn
>> Thủy điện giết sông - Kỳ 3: Chủ đầu tư chỉ tính toán qua loa
Bình luận (0)