Theo thông tin tìm hiểu của Thanh Niên, nguồn cung điện ở miền Bắc trong cao điểm nắng nóng gay gắt diện rộng đang ở trong tình trạng được cảnh báo rất khó khăn khi cả thủy điện lẫn nhiệt điện đều gặp khó.
Cụ thể với thủy điện, thông tin cập nhật từ các đơn vị quản lý hồ thủy điện, đến ngày 3.6, một số hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết, trong đó có rất nhiều hồ lớn như: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Đặc biệt, hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành.
Theo thống kê, tổng công suất không huy động được của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc hiện nay vào khoảng 5.000 MW.
Trong khi nhiều hồ thủy điện đang "lâm nguy" do thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nước phát điện, thì nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc liên tục gặp sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến ngày 5.6, tổng công suất các tổ máy bị suy giảm công suất khoảng 926 MW, bao gồm: S1 Cẩm Phả; S1-S4 Hải Phòng; S1 Mạo Khê; S5 Phả Lại 2; S1-S4 Quảng Ninh; S1-S2 Sơn Động; S1-S2 Thăng Long; S7 Uông Bí; S1-S2 Mông Dương 2; S2 Formosa Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, tổng công suất các tổ máy nhiệt điện đang gặp các sự cố khoảng 3.250 MW, bao gồm: 1L-S1, 2L-S2, 1L-S3, 2L-S4 Phả Lại 1; S6 Phả Lại 2; S2 Cẩm Phả; S2 Nghi Sơn 2; S1 Vũng Áng 1; S2 Mạo Khê; S2 Thái Bình 2; S1 Nghi Sơn 1.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 3.6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói: "Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, dù nói về nguy cơ nhưng thực tế có một số nơi, ở một số thời điểm nhất định đã xuất hiện tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tìm mọi cách để tăng sản lượng than cho sản xuất điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300.000 tấn cho tháng 5 và khoảng 100.000 tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam bộ cho sản xuất điện.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn tất đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp để sớm đưa vào vận hành, nối lưới và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia...
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 6.6: Đề xuất tăng phí đăng kiểm | OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu bật tăng
Bình luận (0)