Thủy điện làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
24/10/2021 08:56 GMT+7

Tác động kép của biến đổi khí hậu và xây đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang đặt ra những thách thức to lớn cho ĐBSCL ảnh hưởng đến sinh kế người dân.

Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên gây ra những khó khăn thách thức cho người dân ĐBSCL những năm qua

Đình Tuyển

Ngày 23.10, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo trực tuyến “Ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê kông - kêu gọi giải pháp để thích ứng” với sự tham gia chuyên gia trong nước và các trường Đại học Michigan (Mỹ);Đại học Côte d’Azur(Pháp), Đại học quốc gia Seoul ((Hàn Quốc)) và đại diện các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo các chuyên gia, tác động kép từ biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang đặt ra những mối đe doạ cho ĐBSCL. Ngày càng có nhiều thiên tai, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn cho đến tình trạng suy giảm nguồn nước, phù sa, sụt lún đất đang xảy ra tại ĐBSCL… Ngoài ra, việc xây đập thủy điện cũng làm suy giảm trầm trọng phù sa cộng với việc khai thác nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún đất ngày càng tăng. Những vấn đề này đòi hỏi phải có những đánh giá, giải pháp, chính sách để thích ứng trong thời gian tới.

GS. Jiagou Qi, Đại học Michigan (Mỹ) cho biết, hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới như ở Mỹ và châu Âu đang từng bước dỡ bỏ các đập thủy điện để trả về trạng thái tự nhiên thì tại lưu vực sông Mê Kông, thủy điện vẫn đang được phát triển rầm rộ. Việc xây đập ở thượng nguồn sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Chẳng hạn như làm giảm nước ở hạ nguồn khiến xâm nhập mặn gia tăng. Thủy điện cũng làm thay đổi dòng chảy tự nhiên khiến ĐBSCL mất đi cơ chế mùa lũ vốn rất quan trọng với ĐBSCL, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.

Trong những năm gần đây, rất nhiều dự án đập thủy điện đã và đang được triển khai trên dòng chính sông Mê Kông. Cụ thể từ cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông và đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 5 đập. Lào và Campuchia đã lập kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện khác. Nếu tính ở các dòng nhánh sông Mê Kông, hiện nay đã có tới 94 đập thủy điện và dự kiến đến năm 2030 có thêm 30 đập nữa được triển khai.

Ruộng dưa hấu của người dân TX. Duyên Hải, Trà Vinh bất ngờ bị thiệt hại do nước biển tràn vào ruộng sau một đêm

Đình Tuyển

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận để thúc đẩy việc xây dựng các mô hình và đưa các dự báo, chính sách giúp ứng phó và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Mối quan hệ giữa biến động nguồn tài nguyên xuyên biên giới và các tác động kinh tế - xã hội vùng hạ lưu; Quản lý trầm tích ở ĐBSCL; Các kịch bản về thủy triều; Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với chất lượng nước; Lũ lụt và chiến lược để giảm nhẹ và thích ứng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.