ĐBSCL đang đón những hệ lụy rất nguy hiểm
Theo báo cáo, Ủy ban sông Mê Kông VN là 1 trong 6 tổ chức có liên quan đến sông Mê Kông hiện nay. Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và VN trước khi đổ ra Biển Đông. Vùng hạ lưu sông Mê Kông (không kể Trung Quốc và Myanmar) có khoảng 65 triệu người, trong đó khoảng 85% phụ thuộc vào nguồn nước Mê Kông. Lưu vực sông Mê Kông đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến động của tự nhiên như: phát triển thủy điện; chuyển nước ra ngoài lưu vực; gia tăng nhu cầu sử dụng nước; các hoạt động tàn phá rừng, nạo vét lòng sông khai thác cát… và biến đổi khí hậu.
tin liên quan
Đề xuất thêm 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL“Tác động tiêu cực của 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tại lưu vực thượng nguồn các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia sẽ tích lũy lâu dài và cực kỳ nguy hiểm”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết.
19 năm có 4 cơn lũ lớn là đáng báo động
Dẫn các số liệu thống kê, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết tại vàm Tân Châu (An Giang), bình quân lũ cao 4 m, nhưng từ năm 2000 đến nay chỉ có 4 cơn lũ cao hơn mức trung bình. Cụ thể, lũ cao đạt 4,5 m diễn ra trong các năm 2000, 2002, 2003 và năm 2011, riêng các năm còn lại lũ thấp và mùa lũ năm 2015 chỉ đạt 2,3 m. Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng dẫn các thống kê về tình hình diễn biến xâm nhập mặn khi các nhà máy thủy điện vào xây dựng, vận hành. Theo đó, xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm hơn (trước kia bắt đầu từ tháng 4, 5 thì nay bắt đầu tháng 2, 3). Xâm nhập cũng sâu hơn, như tại sông Vàm Cỏ (Long An), độ mặn 4 gram/lít trước kia chỉ xâm nhập vào nội đồng sâu nhất có 60 km, vài năm gần đây đã trên 90 km, trong năm 2016 thì xâm nhập sâu đến 130 km; lưu vực sông Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn cũng sâu đến 60 km (tăng hơn 20 km với mức trung bình trước kia). Cùng với đó, chất lượng nước cũng đang có rất nhiều vấn đề cần đánh giá lại để có thái độ nhìn nhận đúng đắn nhất. “Hiện ĐBSCL có trên 32.000 km đê bao và 29.000 km kênh mương nên các cơ chế phối hợp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước sẽ không dễ dàng”, ông Hiệp đánh giá.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Ủy ban sông Mê Kông VN cần tính toán, xác định lại số liệu thủy văn; dòng chảy lũ sẽ tác động như nào và tính toán các kế hoạch để nước không chảy khỏi lưu vực; có cơ chế điều phối tài nguyên nước hợp lý cho nội vùng và liên vùng với vùng ĐBSCL.
|
Đồng tình với nhận định trên, nhưng ở góc độ địa phương, ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng cần có cơ quan nghiên cứu, quan trắc chuyên cho dòng Mê Kông, vì hiện nay ngoài những tác động từ phía thượng nguồn, vấn đề khai thác cát trái phép tràn lan đã gây những tác động còn cụ thể hơn.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông VN, cho rằng những tác động tiêu cực như tranh giành quyền lợi trên sông Mê Kông giữa các nước đã tác động về môi trường hết sức cụ thể. “Hiện nay, cái khó nhất là việc chuyển đổi hạ tầng, sản xuất vì việc biến đổi tự nhiên của vùng ĐBSCL đang rất nhanh. Tôi đề nghị các thành viên của Ủy ban cần phải có trách nhiệm hơn chứ như lâu nay chúng ta chỉ vui mừng gặp nhau trong các cuộc họp, còn không họp thì hầu như bỏ qua”, ông Hà nói.Ông Trần Hồng Hà lên án hành vi khai thác cát trái phép tràn lan tại ĐBSCL nhưng ông cho biết Ủy ban sông Mê Kông sẽ ủng hộ Lào trong việc xây dựng các dự án thủy điện. Bởi việc đầu tư này là để phát triển các tiềm năng kinh tế xã hội quan trọng của nước bạn. “VN không ủng hộ thì sao gọi là bạn bè láng giềng gì nữa, nhưng chúng ta sẽ thực hiện việc ủng hộ, giúp đỡ bạn trên tinh thần giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến môi trường… của các dự án đó đến sông Mê Kông. Riêng một số hoạt động bí mật để khai thác nước sông Mê Kông mà nếu VN có thông tin cũng sẽ đề nghị họ thực hiện đúng các cơ chế đã giao ước”, ông Hà nói.
Bình luận (0)