Diễn đàn “Dòng sông Mê Kông trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện” do Viện Sinh thái học miền Nam, Mạng lưới sông ngòi VN và một số tổ chức khác phối hợp tổ chức ngày 1.8 ở An Giang có sự tham dự của một số nông dân, những người chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi của dòng sông.
Ông Kong Chan Thuy, nông dân Campuchia, nói: “Người dân chúng tôi sống nhờ vào việc đánh bắt cá tự nhiên, trồng lúa và nhờ vào rừng. Do vậy, chúng tôi không muốn để mất đi những nguồn lợi thủy sản, nguồn nước làm nông nghiệp. Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai của Biển Hồ”. Bà Huỳnh Kim Duyên (ngụ Cà Mau), nhắn nhủ: “Nếu trên sông Mê Kông xuất hiện các con đập thì tác động xấu về môi trường, thủy sản, cuộc sống của rất nhiều người. Do đó, mọi người nên hợp tác với nhau để bảo vệ dòng sông, bảo vệ tự nhiên để có cuộc sống bền vững cho các thế hệ sau”, bà Duyên nói. Một đại diện nông dân 7 tỉnh vùng đông bắc Thái Lan cũng kể rằng đập thủy điện trên dòng nhánh Pak Mun đã gây nhiều vấn đề về môi trường, kinh tế, xã hội, vì vậy tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông cần được xem xét kỹ lưỡng để bảo vệ sinh kế người dân.
Theo TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), để sản xuất được 1 kg gạo cần đến 4.500 lít nước. Trong 5 - 10 năm tới, khi các đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, VN và Campuchia, Lào, Thái Lan về lâu dài có thể sẽ không còn đủ nước để sản xuất lúa gạo. Nhiều chuyên gia, đại biểu đều cho rằng các quốc gia chung dòng Mê Kông phải liên kết lại, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và cùng nhau hành động để bảo vệ dòng Mê Kông.
Chí Nhân
Bình luận (0)