|
Vận tốc gấp 2 lần máy bay trực thăng, tầm hoạt động và khả năng phản ứng nhanh vượt trội nhờ có thể cất/hạ cánh ngay trên mặt biển, chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với chiến đấu cơ... những đặc tính này khiến thủy phi cơ đang ngày càng được nhiều quốc gia sử dụng cho các nhiệm vụ giám sát, do thám, chống tàu chiến nổi và tàu ngầm trong bối cảnh tình hình an ninh biển trong khu vực có nhiều biến động, theo tạp chí Defense Review Asia (DRA).
Nhật, Nga, Trung chạy đua
Thực tế, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga từ lâu đã đầu tư vào thủy phi cơ, theo DRA. Trong đó, Nhật từng sản xuất hàng ngàn chiếc trước khi Thế chiến 2 kết thúc. Sau chiến tranh, Công ty ShinMaywa tiếp tục tập trung nghiên cứu và đến thập niên 1960 trình làng chiếc PS-1 có khả năng tác chiến chống tàu ngầm, được trang bị ngư lôi và hệ thống dò tìm sonar. Đến năm 1989, đội bay PS-1 phải “về hưu” nhưng đã đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển thủy phi cơ US-1A - được đánh giá là bền hơn trực thăng và có thể đáp trên vùng biển động. Hiện nay, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đã thay thế US-1A bằng thủy phi cơ US-2 có động cơ mạnh hơn, vận tốc tối đa 580 km/giờ và tầm hoạt động 4.620 km. Ngoài ra, US-2 có khả năng hoạt động trong vùng sóng cao 3 m và chở 30 binh sĩ. Công ty ShinMaywa đã giao 5 chiếc đầu tiên trong hợp đồng bán 30 chiếc US-2 cho JMSDF, đồng thời đang xúc tiến xuất khẩu sang Ấn Độ. Hiện New Delhi có nhu cầu sắm ít nhất 9 thủy phi cơ để giám sát vùng kinh tế đặc quyền, bảo vệ ngư dân...
|
Về phần Trung Quốc, từ thập niên 1970 nước này bắt đầu nghiên cứu thủy phi cơ SH-5 cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, chống tàu ngầm. SH-5 có thể mang 6 tấn vũ khí, gồm ngư lôi, mìn, tên lửa chống tàu... Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu 3 hoặc 4 chiếc SH-5. Bên cạnh đó, Công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc đang phát triển thủy phi cơ mới JI-600, dự kiến đưa vào sản xuất từ năm 2015. Chiếc này được quảng cáo là có thể chở 50 người, bay tối đa 560 km/giờ và hoạt động trong vùng sóng cao 2 m. Tuy nhiên, do “thói quen” mua sắm khí tài từ Nga để về “tự nghiên cứu” nên theo DRA, Trung Quốc đang muốn mua máy bay Be-200 do Công ty Beriev (Nga) sản xuất.
Dĩ nhiên, Nga cũng không đứng ngoài các diễn biến ở châu Á - Thái Bình Dương và cũng đang chú trọng vào thủy phi cơ. Bộ Quốc phòng Nga đang phát triển khả năng đổ bộ cho hải quân từ thủy phi cơ và hồi giữa năm 2013 đã ký hợp đồng mua 6 chiếc của Beriev trị giá 267 triệu USD. Trong đó có 2 chiếc đa nhiệm Be-200 Chs và 4 thủy phi cơ tuần tra Be-200PS. Hiện nay, Nga sử dụng hơn 10 chiếc Be-12 Chayka phục vụ tìm kiếm và cứu hộ.
Đắt hàng ở Đông Nam Á
Thủy phi cơ cũng rất được ưa chuộng ở Đông Nam Á vì phù hợp với công tác tuần tra, giám sát biển hoặc cứu hộ. Hồi tháng 10.2013, Việt Nam đã nhận chiếc đầu tiên trong số 6 thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400 đặt mua từ Tập đoàn Viking Air (Canada). Chiếc đầu tiên mang số hiệu VNT-777 VIP, có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc trên mặt nước, chở 19 người và bay với vận tốc tối đa 307 km/giờ. Số máy bay này được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để thực hiện nhiệm vụ vận tải, tuần tra, giám sát biển, tiếp tế, tìm kiếm và cứu nạn.
Trong khi đó, phi đội 201 của hải quân hoàng gia Thái Lan đang sử dụng thủy phi cơ Bombardier CL-215 do Công ty Bombardier (cũng của Canada) sản xuất. Bombardier còn phát triển các phiên bản 415 rồi 415MP hiện đại hơn. Theo DRA, Malaysia đã mua 2 chiếc 415MP để tuần tra vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Văn Khoa
>> Đông Nam Á đẩy mạnh trang bị tàu ngầm
>> Nhật, Ấn bắt tay phát triển thủy phi cơ quân sự hiện đại?
>> Cận cảnh chiếc thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam
>> Thành lập Phi đội thủy phi cơ DHC-6 không quân hải quân
>> Thủy phi cơ DHC-6 Series 400 sẵn sàng bảo vệ vùng biển Việt Nam
Bình luận (0)