(TNO) Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang phải cân nhắc tới khả năng quá giang trên tàu chiến nước ngoài trước tình trạng thiếu tàu đổ bộ vì cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Thủy quân lục chiến Mỹ trên một tàu đổ bộ tấn công - Ảnh: Reuters
|
Kế hoạch này đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt, bởi các nguy hiểm và bất tiện gây ra khi lính Mỹ phải lệ thuộc vào tàu chiến của đồng minh, nhất là trong trường hợp vì một lý do nào đó, tàu của nước ngoài không cho lính thủy đánh bộ của Mỹ đổ lên bờ.
"Đi tàu đổ bộ của những nước khác - chuyện này quá ngu ngốc và tôi không thể tin nổi là nó có thể được đặt lên bàn cho Hải quân cân nhắc", hạ nghị sĩ Duncan Hunter - người từng là lính thủy đánh bộ phục vụ tại Iraq - phát biểu.
Fox News dẫn lời ông Hunter nói tiếp: "Giờ đây chúng ta sắp phải nhờ vả các nước khác, vốn kém ổn định về mặt tài chính hơn Mỹ, cho chúng ta vay tàu chiến của họ để bố trí lính thủy đánh bộ của chúng ta trên đó. Quả là quá quê độ".
Hiện nay, Hải quân Mỹ có 30 tàu vận tải đổ bộ để chở lực lượng thủy quân lục chiến. Trong khi đó, 38 tàu là con số mà lực lượng này cần trước sự gia tăng bất ổn ở khu vực Bắc Phi. Trước sức ép phải cắt giảm chi phí hiện nay, dự kiến phải đến 2028, Hải quân mới có nổi 38 tàu đổ bộ loại này.
Từ lâu, quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đã tự hào là một lực lượng viễn chinh có khả năng tác chiến độc lập rất cao trên biển. Hiện có hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ đang ở trên các tàu chiến Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, có thể nhanh chóng đổ bộ lên bờ sau khi nhận lệnh.
Tuy nhiên, theo nhận định đăng trên Fox News, sự phản ứng của thủy quân lục chiến vẫn chưa đủ để đáp ứng tình hình hiện nay. Chẳng hạn trong vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya), thủy quân lục chiến Mỹ đã lập tạm một trung tâm điều phối ở Rota (Tây Ban Nha) nhưng nơi này vẫn ở quá xa để có thể hỗ trợ hiệu quả.
Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc luyện tập tại Hàn Quốc - Ảnh: AFP
|
Hiện chưa có một quyết định nào được đưa ra nhưng theo kế hoạch, khoảng 100 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được đưa tới tàu chiến của các nước đồng minh Mỹ cùng với 3 hoặc 4 máy bay Osprey.
Trung tá Gregory P. DeMarco, người lên kế hoạch ở cấp độ khu vực cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nói về kế hoạch kể trên: "Chúng ta không biết khi nào sẽ có biến và sẽ có biến ở đâu, nhưng một sáng kiến làm gia tăng sự tích hợp của thủy quân lục chiến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong những năm tới".
Bình luận (0)