Thụy Sĩ công bố Chiến lược Đông Nam Á: Việt Nam ở đâu?

Thục Minh
Thục Minh
17/02/2023 19:45 GMT+7

Đông Nam Á đang trở thành "trung tâm địa chính trị của thế giới" mà Thụy Sĩ mong muốn đẩy mạnh quan hệ, trong đó, Việt Nam là "Đối tác ngày càng quan trọng".

Chiến lược Đông Nam Á 2023-2026 được Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ (FDFA) soạn thảo và chính phủ phê duyệt, công bố ngày 15.2 là tài liệu thứ 5 trong bộ Chiến lược Chính sách Đối ngoại (FPS) của Thụy Sĩ được xây dựng trong giai đoạn 2020-2023.

Trước đó, quốc gia trung lập ở châu Âu này đã công bố các Chiến lược đối ngoại với Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi, và châu Phi Hạ Sahara.

Bản đồ Đông Nam Á trong Chiến lược ngoại giao của Thụy Sĩ

Bản đồ Đông Nam Á trong Chiến lược ngoại giao của Thụy Sĩ

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ (FDFA)

4 chủ đề chiến lược

Trong tầm nhìn của người Thụy Sĩ, tâm điểm địa chính trị thế giới đang dịch chuyển về phương Đông, vùng châu Á - Thái Bình Dương. Đông Nam Á, với vị trí địa lý "trái tim" của vùng, đang ngày càng trở nên có ảnh hưởng chính trị ở quy mô toàn cầu, bởi nơi đây là trận địa của sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường thế giới - Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là tổ chức quốc tế quan trọng nhất, có vai trò duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững của vùng châu Á - Thái Bình Dương thông qua nhiều cơ chế đối thoại và hợp tác an ninh với tất cả cường quốc trên thế giới.

Vai trò ASEAN trong cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đa phương châu Á-Thái Bình Dương

FDFA

Thụy Sĩ, quốc gia trung lập tại châu Âu, cũng là Đối tác Đối thoại chuyên ngành (Sectoral Dialogue Partner) của ASEAN.

Về phương diện kinh tế, Đông Nam Á với 11 quốc gia (gồm 10 thành viên ASEAN và Đông Timor sẽ được kết nạp trong tương lai gần) có tổng dân số 680 triệu người, đang là khu vực kinh tế lớn thứ 5 của thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản) với tổng GDP 3.350 tỉ USD năm 2021, và có triển vọng tăng gấp rưỡi vào năm 2030.

Mức độ hội nhập mãnh liệt của nền kinh tế Đông Nam Á vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong vòng 2 thập niên qua, cùng với các động lực tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, đang giúp khu vực trở thành điểm thu hút đối với nhà đầu tư phương Tây.

Đối với Thụy Sĩ, bên cạnh vai trò ngày càng lớn trong sự dịch chuyển địa chính trị toàn cầu về phương Đông, Đông Nam Á cũng có tầm quan trọng về kinh tế không ngừng gia tăng.

Vì vậy, "trong giai đoạn 2023-2026, Thụy Sĩ mong muốn củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào những thách thức trong tương lai", tài liệu Chiến lược khẳng định và lý giải thêm: "Điều này sẽ giúp đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ. Thụy Sĩ sẽ vừa tận dụng những cơ hội từ sự trỗi dậy ở châu Á-Thái Bình Dương, vừa tránh tình trạng tập trung một chiều vào từng quốc gia riêng lẻ trong khu vực này của thế giới".

Thụy Sĩ định hình FPS giai đoạn 2020-2023 của mình xoay quanh 4 chủ đề: hòa bình và an ninh, thịnh vượng (kinh tế), phát triển bền vững, và số hóa.

Việt Nam - Đối tác ngày càng quan trọng

Chiến lược Đông Nam Á 2020-2023 của Thụy Sĩ xác định hợp tác thúc đẩy kinh tế, nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền con người là những trọng tâm trong quan hệ với Việt Nam thời gian tới.

Nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á

Với mức tăng trưởng hàng năm từ 6-7% trước đại dịch Covid-19, và là thành viên của hai hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cùng một loạt FTA song phương như với EU và với Vương quốc Anh, "nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ trong dòng chảy thương mại toàn cầu", Chiến lược của Thụy Sĩ nhận định.

Trong quan hệ với Thụy Sĩ, thương mại song phương tăng gấp ba lần chỉ trong 6 năm trước đại dịch, tài liệu này cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, năm 2019, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ đạt 3,6 tỉ CHF (3,9 tỉ USD) và 2,6 tỉ CHF (2,8 tỉ USD) năm 2021, chưa kể các giao dịch vàng thỏi, đá quý, kim loại quý, đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật.

Đầu tư trực tiếp (FDI) của Thụy Sĩ vào Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong cùng kỳ. Bởi vậy, "Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng đối với Thụy Sĩ", Chiến lược khẳng định.

Tài liệu này cũng ghi nhận: Nhờ mở cửa nền kinh tế và chuyển dần từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường (dù chưa hoàn thiện), Việt Nam đã có sự tăng trưởng năng động, phát triển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Và khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi mức nghèo cùng cực hồi thập niên trước.

Việt Nam và quan hệ với Thụy Sĩ qua các con số. Thụy Sĩ đã đặt đại sứ quán tại Sài Gòn từ năm 1926, hiện có 615 người Thụy Sĩ ở Việt Nam

Việt Nam và quan hệ với Thụy Sĩ qua các con số

FDFA

Thách thức

Dù đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam, Chiến lược của Thụy Sĩ cũng khuyến cáo: "Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam không nghiễm nhiên sẽ được duy trì, mà phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của nền kinh tế toàn cầu và việc cải cách cơ cấu kinh tế tiếp tục thực thi ra sao".

"Nếu không cải cách sâu rộng để tăng đầu tư tư nhân, nâng cao năng suất và tăng cường hiệu quả trong khu vực công, Việt Nam đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình". Bên cạnh đó, "sự bất nhất trên phương diện pháp lý cũng đang kìm hãm nền kinh tế".

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra ngày càng tăng, bên cạnh tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng không được kiểm soát chặt chẽ ở một số nơi, và việc sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn dồi dào, là những nguy cơ có thể làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Trên phương diện đối nội và đối ngoại, quốc gia trung lập với mô hình dân chủ trực tiếp này cũng bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ kỹ thuật số, và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Khuôn khổ hợp tác

Chiến lược ngoại giao của Thụy Sĩ đối với Việt Nam xác định kinh tế là mặt trận quan trọng nhất trong quan hệ hai nước. Theo đó, "Thụy Sĩ đang nỗ lực hướng tới việc hoàn tất FTA giữa khối EFTA (gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Việt Nam nhằm cải thiện hơn nữa các điều kiện kinh doanh cho các công ty Thụy Sĩ" đang và có nguyện vọng đầu tư tại Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ ngày càng tiến sâu vào hợp tác kinh tế, thay dần hỗ trợ phát triển như trước đây

Quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ ngày càng tiến sâu vào hợp tác kinh tế, thay dần hỗ trợ phát triển như trước đây

FDFA

Song song đó, "trong khuôn khổ hợp tác phát triển song phương lâu dài, Thụy Sĩ cũng hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế theo định hướng thị trường và tăng trưởng bền vững". Chương trình hỗ trợ này đang được thực hiện bởi Tổng cục Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) với trọng tâm là cải thiện các điều kiện khung trong hoạt động kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Không chỉ đưa ra định hướng chung chung, bản Chiến lược cũng đề ra các nhóm hành động với mục tiêu và biện pháp cụ thể đối với Việt Nam như trong bảng sau:

Mục tiêu và biện pháp

Thụy Sĩ sẽ góp phần bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, cụ thể:

- Thường xuyên nêu vấn đề quyền con người trong các trao đổi với chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam,

- Thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự và bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền.

Thụy Sĩ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và khoa học, cụ thể:

- Ký kết FTA thế hệ mới và toàn diện giữa EFTA và Việt Nam,

- Phối hợp triển khai các cơ chế giao thương và xúc tiến xuất khẩu,

- Nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp Thụy Sĩ ứng phó với tình trạng bất nhất về pháp lý,

- Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Thụy Sĩ sẽ góp phần xây dựng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sức cạnh tranh, cụ thể:

- Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh tế thị trường,

- Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thụy Sĩ sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, cụ thể:

- Đưa vào FTA đang đàm phán giữa EFTA và Việt Nam chương mục về phát triển bền vững,

- Thúc đẩy việc phát triển đô thị bền vững và quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên,

- Giúp phát triển bền vững ngành du lịch,

- Đối thoại thường xuyên về các vấn đề lao động và việc làm.

Định nghĩa về các quốc gia

Bên cạnh Việt Nam, Chiến lược Đông Nam Á của Thụy Sĩ cũng "định nghĩa" một cách sòng phẳng mối quan hệ và xác lập khuôn khổ hợp tác cụ thể của nước này với từng quốc gia còn lại trong khu vực.

Nếu Việt Nam là "Đối tác ngày càng quan trọng" của Thụy Sĩ, với kinh tế, nghiên cứu khoa học và quyền con người là các mảng hợp tác chính, thì:

Singapore là "Đối tác kinh tế quan trọng nhất tại Đông Nam Á" của Thụy Sĩ (thương mại song phương 12 tỉ CHF năm 2021), với trọng tâm hợp tác gồm kinh tế và khoa học, tài chính và thuế, ngoại giao số hóa và khoa học, và thực thi các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ (2030 Agenda).

Thái Lan, nơi có gần 10.000 công dân Thụy Sĩ đang sinh sống (chiếm hơn 1/2 cộng đồng người Thụy Sĩ trên toàn Đông Nam Á) và kim ngạch thương mại song phương đứng thứ hai trong khu vực (5,7 tỉ CHF năm 2021), được ghi nhận là có quan hệ "đa dạng và năng động". Trong đó, Thụy Sĩ đặt nặng vấn đề hợp tác bảo hộ công dân (Thụy Sĩ) cũng như thúc đẩy hòa bình, dân chủ và nhân quyền (tại Thái Lan). Đàm phán FTA giữa EFTA và Thái Lan gần đây đang được đẩy mạnh.

Philippines tuy là nơi Thụy Sĩ đặt Đại sứ quán đầu tiên (năm 1862) và có số người Thụy Sĩ sinh sống cao thứ hai trong khu vực (hơn 3.300 người), nhưng thiên tai và xung đột vũ trang nội tại triền miên khiến quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á và đã có FTA với Thụy Sĩ hiệu lực từ năm 2018 chỉ được ghi nhận là có "quan hệ trên nhiều phương diện". Hợp tác mà Thụy Sĩ muốn hướng đến là giúp Philippines hòa bình, tôn trọng nhân quyền và ứng phó tốt hơn trước thiên tai.

Malaysia "đáng kể đối với Thụy Sĩ trước hết là với tư cách một đối tác kinh tế" bởi quốc gia này là nơi nhận FDI từ Thụy Sĩ nhiều thứ hai trong khu vực, sau Singapore. Thụy Sĩ đang mong muốn sửa đổi Hiệp định bảo hộ và xúc tiến đầu tư giữa hai nước có hiệu lực từ năm 1978 và ký kết FTA giữa EFTA với Malaysia trong vài năm tới.

Đặc biệt, Indonesia là "Đối tác với tiềm năng lớn lao trong tương lai" của Thụy Sĩ. Tuy kim ngạch thương mại song phương hiện khá khiêm tốn (1,9 tỉ CHF năm 2021), nhưng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số 270 triệu người này đang là tâm điểm thu hút doanh nghiệp Thụy Sĩ. Cú hích này đến từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Indonesia và khối EFTA, vốn bị công chúng Thụy Sĩ bỏ phiếu phản đối sau khi được ký kết (12.2018), cuối cùng đã được chấp nhận và có hiệu lực từ tháng 11.2021. Indonesia đang được kì vọng là thị trường hấp dẫn của các tập đoàn Thụy Sĩ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Bản đồ thể hiện chiều sâu hợp tác giữa Thụy Sĩ với các nước Đông Nam Á. Việt Nam và Indonesia tập trung vào kinh tế; Lào, Campuchia, Myanmar nặng về hỗ trợ phát triển và nhân đạo

Bản đồ thể hiện chiều sâu hợp tác giữa Thụy Sĩ với các nước Đông Nam Á. Việt Nam và Indonesia tập trung vào kinh tế; Lào, Campuchia, Myanmar nặng về hỗ trợ phát triển và nhân đạo

FDFA

Với các quốc gia có tiềm lực kinh tế khiêm tốn hay tình hình chính trị bất ổn như Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Đông Timor, Chiến lược đối ngoại của Thụy Sĩ đặt nặng trọng tâm hỗ trợ phát triển và cải thiện an ninh dưới sự điều phối của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ (SDC), hơn là hợp tác kinh tế dưới sự điều phối SECO. Tại những địa bàn này, Thụy Sĩ xác định họ có thể phát huy tối đa vai trò vốn được quốc tế ghi nhận từ lâu như cung cấp hỗ trợ nhân đạo, trung gian hòa giải, và xây dựng năng lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.