Đại sứ quán VN tại Kuala Lumpur cho biết vẫn đang theo dõi vụ thuyền viên Nguyễn Hồng Quang bị tòa án Malaysia kết án tử hình và sẽ can thiệp bằng con đường ngoại giao.
Chị Nguyễn Phương Thúy liên tục khóc khi nhắc đến chồng - Ảnh: Hoàng Long
|
Trao đổi với Thanh Niên, Bí thư thứ hai Trần Quang Huy, phụ trách văn hóa, giáo dục và truyền thông của sứ quán, cho biết đã yêu cầu phía Malaysia cung cấp hồ sơ vụ án, cáo trạng và phán quyết của tòa đối với bị cáo Nguyễn Hồng Quang, nhưng “chưa nhận được phản hồi”. Ông Huy cho biết sứ quán được phía Malaysia thông báo sau khi xảy ra vụ án mạng. Tuy nhiên, quá trình xét xử diễn ra qua nhiều phiên tòa thì sứ quán không được báo tin. Theo ông Huy, do gia đình bị cáo Nguyễn Hồng Quang cũng không liên lạc gì với sứ quán, nên không có ai từ cơ quan ngoại giao VN tại Malaysia tham dự các phiên tòa.
Trả lời câu hỏi “Trong trường hợp này, nếu công dân cho rằng họ bị oan sai thì sứ quán sẽ bảo hộ như thế nào?”, ông Huy nói: “Có rất nhiều hình thức bảo hộ, qua con đường ngoại giao”.
4 lần nhận tin chồng
Kể với PV, chị Nguyễn Phương Thúy (ngụ thị trấn Đồng Văn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), vợ anh Quang, cho biết sáng 15.1 chị mới biết được thông tin chồng mình bị tòa án Malaysia kết án treo cổ, qua đọc thông tin trên Thanh Niên Online. “Lúc ấy tôi thực sự sốc, chính chồng mình bị kết án tử hình mà phải 2 ngày sau tôi mới biết. Chẳng thấy ai thông báo đến gia đình tôi được một câu”, chị Thúy kể.
Theo chị, kể từ ngày xảy ra vụ việc (23.3.2013) dẫn đến anh Quang bị kết án treo cổ, đây là lần thứ 4 chị nhận được tin chồng. Lần thứ nhất vào sáng 23.3.2013, anh Quang gọi điện về thông báo ngắn gọn là “đêm qua đánh nhau trên tàu, hiện giờ cảnh sát Malaysia đến xử lý”. Trong lần gọi đầu tiên, khi chị hỏi tại sao đánh nhau, anh Quang nói buổi tối anh em trên tàu uống rượu say, xảy ra cãi vã rồi sau đó dẫn đến đánh nhau.
Ngày 25.3.2013, chị Thúy nhận được công văn Công ty CP hàng hải Liên Minh (trụ sở tại TP.Hải Phòng) thông báo vụ xô xát giữa anh Quang và anh Ngô Trọng Cường dẫn đến anh Cường bị chết và đề nghị gia đình khuyên anh Quang hợp tác với cảnh sát Malaysia. Khi xảy ra xô xát, anh Quang đang là máy trưởng, còn anh Cường là thuyền trưởng tàu BRAVE OCEAN thuộc chủ tàu SUGAHARA của Nhật Bản.
Gần 5 tháng sau, chị Thúy nhận được cuộc điện thoại ngắn gọn của chồng thông báo “sẽ bị lên tòa xử trong tháng 9.2013”, rồi mọi việc lại chìm vào im lặng.
Chị Thúy kể, sau khi anh Quang bị bắt, nhân một chuyến công tác gần Malaysia, em trai anh Quang là Nguyễn Đức Toàn cùng một người bạn ghé sang Sarawak thăm và nhờ luật sư bào chữa cho anh mình. “Tôi không biết đâu, tiền trả cho luật sư chắc là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè anh Quang đó”, chị Thúy kể và nói trong nước mắt: “Từ hôm được tin anh Quang bị kết án tử hình, tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Bây giờ chỉ biết trông chờ vào em trai anh Quang thôi”.
Phiên bản của thời cổ đại
Tại Malaysia, tòa án tối cao trong hệ thống tư pháp là Tòa án Liên bang (Federal Court), sau đó là Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) rồi đến 2 Tòa thượng thẩm (High Court) ở Malaya và 2 bang Sabah, Sarawak.
Theo luật pháp Malaysia, bị cáo có quyền đệ đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm trong thời gian 14 ngày kể từ ngày Tòa thượng thẩm đưa ra phán quyết. Theo điều 302 bộ luật Hình sự của Malaysia, người phạm tội giết người sẽ bị xử tử hình. Hình thức treo cổ trong luật pháp Malaysia là phiên bản của nguyên tắc pháp luật hình sự thời cổ đại “giết người đền mạng”. Luật pháp Malaysia quy định Tòa thượng thẩm có thẩm quyền đối với tất cả các trường hợp tội phạm trên biển, trên tàu có đăng ký của Malaysia và tòa này cũng được thông qua bất kỳ hình phạt nào được pháp luật cho phép.
|
Bình luận (0)