Thuyết 'Tứ toàn' của ông Tập Cận Bình

27/02/2015 09:00 GMT+7

Học thuyết chính trị mới được công bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào 4 ưu tiên để theo đuổi 'Giấc mơ Trung Quốc'.

Học thuyết chính trị mới được công bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào 4 ưu tiên để theo đuổi “Giấc mơ Trung Quốc”.
 
Tấm áp phích có hình ông Tập Cận Bình và dòng chữ “Cùng nhau thực hiện giấc mơ Trung Quốc” - Ảnh: AFPTấm áp phích có hình ông Tập Cận Bình và dòng chữ “Cùng nhau thực hiện giấc mơ Trung Quốc” - Ảnh: AFP
Truyền thông nước này từ ngày 25.2 đồng loạt đăng các bài phân tích và lập luận về thuyết “Bốn toàn diện”, gọi tắt là “Tứ toàn”, nêu những điểm chủ chốt để phát triển đất nước do chính Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.
“Tứ toàn” là gì ?
Bài viết đầu tiên trên tờ Nhân Dân nhật báo đăng ngày 25.2 với nhan đề “Bố cục chiến lược dẫn dắt sự phục hưng dân tộc” đã lập luận về nội dung của “Tứ toàn”. Theo thứ tự, “Tứ toàn” lần lượt bao gồm: Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện. Tuy nhiên, câu hỏi liệu những khái niệm trên sẽ mang lại thay đổi thực tế gì cho Trung Quốc trong thời gian tới vẫn còn là vấn đề mơ hồ.
Đầu tiên, trong khẩu hiệu “Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện”, cụm từ “xã hội khá giả toàn diện” xuất hiện từ thời Đặng Tiểu Bình vào năm 1979, và kể từ đó nó trở thành tầm nhìn dài hạn cho Trung Quốc thời hiện đại. Tờ Nhân Dân nhật báo cho hay ông Tập cũng kế tục thuật ngữ đó và đặt nó làm trung tâm của di sản chính trị, với 3 “toàn diện” còn lại hỗ trợ mục tiêu số 1 này. Phấn đấu cho cái gọi là “xã hội khá giả toàn diện” trên thực tế chính là định nghĩa trực tiếp của “Giấc mơ Trung Quốc”, một lý tưởng khá mơ hồ đã được ông Tập giới thiệu vào năm 2013. Theo đó, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc về kinh tế, chính trị, quân sự, nơi mà công dân có thể đạt được thành tựu nhất định.
Mục tiêu cốt lõi trên đã kéo theo 3 lĩnh vực khác cần được quan tâm. Thứ nhất là cải cách sâu sắc toàn diện, mà theo ông Tập kết hợp cải cách mạnh ở chính sách kinh tế lẫn chính trị. Ông Tập cũng bắt tay kiểm soát kinh tế Trung Quốc, đưa ra kỳ vọng về cái gọi là “sự bình thường mới” của tăng trưởng GDP, vốn giảm xuống còn 7,4% vào năm 2014 so với 14,2% vào năm 2007. Đó là tập trung vào tăng trưởng chậm nhưng chắc và ít gây hại cho môi trường, dành nhiều thời gian và nguồn lực phát triển các ngành kinh doanh tập trung vào dịch vụ thay vì dựa vào xuất khẩu từ nhà máy và các mảng công nghiệp khác.
Kế đến là quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, thiết lập các tòa án bán độc lập để thúc đẩy quyền tự do tư pháp và giảm thiểu sự can thiệp của các quan chức đảng ở địa phương. Và cuối cùng là quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện, một mục tiêu có liên quan mật thiết đến các chiến lược cải cách chính trị sâu rộng do ông Tập chủ trương. Kể từ năm 2012, nhà lãnh đạo đã bắt tay cải tổ nhân lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên diện rộng, loại trừ quan tham, như trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Di sản chính trị
Việc quảng bá chính thức cho kế hoạch phát triển của ông Tập vào thời điểm này không phải là điều ngẫu nhiên, nhất là khi nó được công bố trước hai phiên họp thường niên tại Bắc Kinh vào tháng 3, gồm họp quốc hội và chính hiệp. Một số tờ báo cho rằng sự quảng bá rầm rộ học thuyết mới có thể nhằm phục vụ cho ý đồ kết nạp khẩu hiệu 4 điểm của ông Tập vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng sắp tới, nhiều khả năng diễn ra vào năm 2017.
Như vậy, sau 2 năm cầm quyền, ông Tập đã chính thức công bố lý thuyết sẽ trở thành di sản của cá nhân ông trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau những khẩu hiệu như “Bốn hiện đại hóa” của Chu Ân Lai, “Cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Tầm nhìn phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào.
Nói không với độc lập tư pháp
Tân Văn xã ngày 26.2 đưa tin Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã thúc giục giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc tránh xa mô hình độc lập tư pháp kiểu phương Tây và bác bỏ “tư duy sai lầm của phương Tây”. Tại cuộc họp của Đảng ủy Tòa án tối cao ngày 25.2, các đại biểu đã nhất trí rằng Trung Quốc sẽ xác lập lằn ranh với khái niệm “độc lập tư pháp” và “phân quyền” của phương Tây. Chánh án Chu Cường đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”, coi đây là cách tốt nhất để cai quản quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trùng Quang
Công bố lời thú tội của quan tham
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở một mặt trận mới trong chiến dịch chống tham nhũng, bằng cách công bố lời ăn năn, thú tội của quan chức tham nhũng cho công chúng nhằm mục đích nhắc nhở và răn đe những người khác. Reuters dẫn thông báo từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 26.2 cho biết những lời thú tội và cả những vụ tham nhũng đã bị xử lý sẽ được in vào một cuốn sách phát rộng rãi cho công chúng. “Đằng sau mỗi vụ tham nhũng là hình bóng của một mô hình quyền lực bị đánh mất, đằng sau mỗi cuốn sách ghi lời ăn năn hối cải là sự “tự trách” và “tự hận” (của những kẻ tham nhũng)”, CCDI viết trong thông báo trên website đồng thời kêu gọi công chúng hãy chú ý đón xem. Cơ quan này hứa hẹn những gương mặt “đen” điển hình trong cuốn sách sẽ thức tỉnh các đồng chí trong đảng.
Vinh Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.