Tỉ phú, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nói gì về siết trái phiếu?

Anh Vũ
Anh Vũ
23/04/2022 13:36 GMT+7

Sáng 23.4, Ngân hàng TCMP Kỹ thương Việt Nam ( Techcombank ) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 (ĐHĐCĐ), thông qua nhiều nội dung quan trọng và trả lời các vấn đề “nóng” từ các cổ đông.

Về câu hỏi liên quan đến nợ xấu, việc siết trái phiếu bất động sản (BĐS) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo lãnh đạo Techcombank, ngân hàng chưa gặp vấn đề nào về các khoản vay BĐS. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) gần như bằng 0 trong 5 năm qua.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh
tp

Nói thêm về các vụ siết trái phiếu vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hồ Hùng Anh, bày tỏ quan điểm đây là những việc cần thiết của cơ quan quản lý làm sạch thị trường. Techcombank luôn thực hiện theo thông điệp sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển thị trường vốn.

Vẫn theo ông Hồ Hùng Anh, nếu nói siết trái phiếu thì hơi nặng mà đây là động thái làm lành mạnh thị trường trái phiếu, điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà chuyên nghiệp đưa đến thị trường những sản phẩm tốt cho thị trường.

“Tôi không nghĩ chúng tôi có thay đổi chiến lược dài hạn về lĩnh vực BĐS của Techcombank. Trong những năm vừa qua, Techcombank đang làm rất tốt, các dự án mà Techcombank đầu tư đều có các chủ đầu tư, lãnh đạo uy tín. Cho vay BĐS tập trung nhiều vào nhóm cho vay người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất, hoặc dạng có khả năng đầu cơ, không mang lại giá trị thặng dư”, Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ.

Vị tỉ phú đứng top 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán cho biết thêm, ngân hàng đang nắm giữ khoảng 62.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Techcombank giữ trái phiếu nhiều vì tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư.

Về quan hệ tín dụng với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank không có liên quan gì đến các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các trái phiếu và khoản vay của Techcombank đều vào các dự án có giấy tờ hợp lý, đang triển khai bán hàng, không đầu tư vào các dự án treo, giấy tờ không hợp lý.

Techcombank đặt mục tiêu lãi 27.000 tỉ đồng năm 2022
tp

Năm 2022 đặt mục tiêu lãi 27.000 tỉ đồng trước thuế

Số liệu báo cáo của Techcombank tại đại hội cho thấy, năm 2021 ngân hàng ghi nhận 1 tỉ USD lợi nhuận trước thuế, nhờ những đầu tư quyết liệt vào số hóa, dữ liệu và nhân tài.

Năm 2021, ngân hàng cũng ghi nhận 37.100 tỉ đồng tổng thu nhập (TOI), tăng 35,4% so với 2020, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ từ thu nhập lãi (NII) và thu nhập hoạt động dịch vụ (NFI).

Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỉ đô” năm 2021, với lợi nhuận trước thuế đạt 23.200 tỉ đồng, tăng 47,1% so với 2020. Đây là năm thứ năm liên tiếp Techcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số. Ngân hàng cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trong giai đoạn 2016 - 2021 với mức kỷ lục 50%/năm.

Trong năm 2021, tổng tài sản của Techcombank tăng trưởng 29,4%, lên 568.700 tỉ đồng và dẫn đầu ngành về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), ở mức 3,7%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,5% vào cuối 2021, cũng thiết lập một kỷ lục khác trong toàn ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Techcombank cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 15,0%, tỷ lệ nợ xấu (NPL) 0,7% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) là 162,9%, qua đó phản ánh việc quản lý rủi ro thận trọng.

Năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch lãi trước thuế 27.000 tỉ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng dự kiến tăng 15% hoặc cao hơn. Techcombank có kế hoạch duy trì nợ xấu dưới 1,5%.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng báo cáo việc tăng vốn điều lệ lên 35.200 tỉ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.