Tỉ phú hoa lan vùng nông thôn mới

23/02/2016 05:46 GMT+7

Những luống lan chạy dài ngút ngàn, xanh rợp, mát rượi với đủ màu hoa rất đẹp. Đôi tay vừa thoăn thoắt cắt những cành lan, anh Cường cho biết đây chính là cây lan “xóa nghèo” của gia đình anh.

Những luống lan chạy dài ngút ngàn, xanh rợp, mát rượi với đủ màu hoa rất đẹp. Đôi tay vừa thoăn thoắt cắt những cành lan, anh Cường cho biết đây chính là cây lan “xóa nghèo” của gia đình anh.

Mỗi tháng, vườn lan của anh Bùi Văn Cường đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng - Ảnh: H.NMỗi tháng, vườn lan của anh Bùi Văn Cường đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng - Ảnh: H.N
Mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang những loại cây trồng hiệu quả kinh tế hơn, mạnh dạn vay vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới, nhiều hộ nông dân ở Củ Chi (TP.HCM) từ khó khăn đã vươn lên khá giả, thậm chí trở thành tỉ phú với thu nhập tiền tỉ hàng năm.
Thoát nghèo, làm giàu...
Gặp anh Bùi Văn Cường (ngụ ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi, TP.HCM) vào một ngày giáp Tết Nguyên đán giữa cái nắng gay gắt, anh dẫn chúng tôi tham quan vườn lan sau căn biệt thự cơ ngơi. Những luống lan chạy dài ngút ngàn, xanh rợp, mát rượi với đủ màu hoa rất đẹp. Đôi tay vừa thoăn thoắt cắt những cành lan, anh Cường cho biết đây chính là cây lan “xóa nghèo” của gia đình anh.
Sinh ra từ gia đình thuần nông tại H.Củ Chi, TP.HCM, quanh năm trồng lúa với cuộc sống cơ cực, về sau này thấy việc trồng lúa tại TP không còn phù hợp vì hiệu quả kinh tế rất thấp, anh Cường trăn trở tìm lối đi thích hợp hơn.
Từ năm 2007, đứa con trai anh lúc đó rất mê chơi hoa lan nên qua những lần chở con đi tìm mua lan, anh Cường cũng học được chút ít kiến thức về các loài hoa lan, cách chăm sóc. Trong đó, anh “kết” nhất là hoa lan Mokara. Theo anh Cường, sở dĩ anh gọi lan Mokara là “lan xóa nghèo” vì thời gian đầu tư ngắn, chỉ khoảng 6 tháng là cây bắt đầu cho hoa. Khác với các loại lan khác chỉ thu hoạch một lần (tức bán luôn cả chậu), thì lan Mokara thu hoạch bằng cách cắt cành nên có thể thu hoạch quanh năm.


Bên cạnh hoa lan, hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn... đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều nông dân ở H.Củ Chi. Trên vùng đất thép, những bông hoa vẫn tiếp tục khoe sắc giúp bộ mặt nông thôn đang dần thay da đổi thịt và những tỉ phú nông dân sẽ ngày càng nhiều hơn.

Ban đầu, anh đầu tư 800 triệu đồng cho vườn lan hơn 3.000 m2. Sau đó, thấy thu hoạch từ hoa lan có hiệu quả cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, anh tự mày mò nhân giống, tăng vốn đầu tư và mở rộng diện tích dần dần. Đến năm 2014, nhờ sự hỗ trợ lãi suất vay vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới của nhà nước, anh mạnh dạn vay thêm gần 5 tỉ đồng, đầu tư mở rộng diện tích trồng lan lên đến 2,5 ha và áp dụng công nghệ tưới lan hiện đại. Bình quân, mỗi ngày anh bán ra khoảng 2.000 cành lan, với giá từ 6.000 - 9.000 đồng/cành, mỗi tháng doanh thu từ lan của anh khoảng 500 triệu đồng, trừ đi các chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Cường còn sản xuất và bán thêm cây lan giống với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cây. “Nếu tính 1 ha lúa đem lại lợi nhuận không tới 30 triệu đồng/năm thì với hoa lan, con số này khoảng 1,5 tỉ đồng, tức tăng khoảng 50 lần, một con số không hề nhỏ với người nông dân”, anh Cường chia sẻ.
Thị trường tiêu thụ hoa lan của anh Cường chủ yếu ở TP.HCM, nhưng dịp tết vừa qua hàng anh bán ra không kịp, nhiều thương lái cả nước tự tìm đến vườn lan của anh mua và chuyển hoa bằng máy bay ra tận miền Bắc.
... và Huyền Thoại lan
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới H.Củ Chi, trong 5 năm qua tại địa phương này, diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả đã dần được chuyển đổi sang trồng hoa lan, trồng cỏ nuôi bò và phát triển thủy sản khá lớn. Nếu năm 2010, diện tích trồng lúa là 7.800 ha thì nay chỉ còn 4.700 ha. Trong đó, diện tích trồng hoa lan đạt 165 ha (năm 2010 chỉ có 34 ha).
Theo Phòng Kinh tế H.Củ Chi, ngoài anh Cường, trong huyện còn có rất nhiều hộ cũng đã chuyển đổi sang trồng lan và đem lại thu nhập ổn định hàng tỉ đồng mỗi năm/hộ. Trong đó, có thể kể đến trang trại lan Huyền Thoại của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi). Năm 2007, được sự giới thiệu của ngành nông nghiệp huyện, chị Huyền trồng thí điểm 4.000 gốc lan Mokara và thấy có hiệu quả. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm 2012 được sự hỗ trợ của UBND TP.HCM, Sở NN-PTNT, UBND H.Củ Chi, theo quyết định hỗ trợ lãi vay, chị Huyền đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha diện tích đất trồng cao su để chuyển đổi sang trồng lan với 140.000 gốc Mokara, 10.000 gốc lan Denro, đầu tư thêm hệ thống tưới tự động... với tổng số vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Nhờ chủ động được thị trường tiêu thụ và có kế hoạch cung ứng cho thị trường đạt hiệu quả, đến nay trang trại lan của chị đã đem lại thu nhập thường xuyên và ổn định mỗi năm bình quân 2 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đó, chị Huyền còn dự kiến phát triển trang trại thành điểm dừng chân, tham quan du lịch, hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.