Hơn 2.500 tài liệu của Tổ chức Quỹ xã hội mở (OSF) do nhà tài phiệt khét tiếng George Soros sáng lập đã bị tung lên mạng. Đứng sau vụ này là một trang web mang tên DC Leaks, tự nhận là “một nhóm điều tra muốn vạch trần sự thật về nền chính trị Mỹ”.
Nội dung tài liệu cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông Soros và OSF trong chính trường Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung cũng như can thiệp vào nhiều sự kiện lớn trên thế giới. Đặc biệt, theo Hãng thông tấn Sputnik News, loạt hồ sơ cho thấy gây bất ổn tại Nga và hạ bệ Tổng thống Vladimir Putin là mục tiêu lớn được theo đuổi trong thập niên qua. Phía OSF từ chối bình luận về độ xác thực của các thông tin trên nhưng xác nhận hệ thống của họ bị tin tặc xâm nhập và đánh cắp dữ liệu.
“Cánh cửa tự diễn biến”
Tài liệu bị rò rỉ cho thấy OSF bảo trợ cho rất nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước lẫn của nước ngoài tại Nga với mục tiêu gây ảnh hưởng đến tình hình quốc gia này cũng như đẩy mạnh hệ giá trị theo tư tưởng của tỉ phú Soros.
Trong hồ sơ đề tháng 11.2012 mang tên “Bản ghi nhớ về kế hoạch chiến lược Nga” của OSF, một nhóm chuyên gia quốc tế đã họp bàn cách “nhận diện các ưu tiên chung trong hoạt động của OSF cho những năm sắp tới cùng giải pháp phối hợp hành động hiệu quả. Theo đó, OSF nhận định nước Nga dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev (2008 - 2012) “mở cửa” hơn và tạo cơ hội cho “thúc đẩy thay đổi thông qua các tổ chức xã hội dân sự”.
Tuy nhiên, tất cả hy vọng của họ đều bị dập tắt khi ông Putin trở lại nắm Điện Kremlin vào năm 2012. “Trong thời gian ông Medvedev làm tổng thống, hàng loạt tổ chức phi chính phủ được phép mở văn phòng tại Nga. Tuy nhiên, áp lực đã quay lại cực kỳ nhanh chóng, chỉ một thời gian ngắn khi ông Putin trở lại”, Sputnik dẫn nội dung bản ghi nhớ viết.
Các tài liệu bị lộ cũng ghi nhận làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ Nga và bản thân ông Putin năm 2012 cũng như các cuộc biểu tình lẻ tẻ sau đó, đồng thời nhận định: “Người dân bắt đầu nhận ra rằng có thể thay đổi điều gì đó. Cánh cửa của tự diễn biến đã được mở ra”, theo trang tin MINA.
Đến cuối năm 2015, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Nga, đặc biệt là các nhóm có liên hệ với OSF, lại bị giáng một đòn nặng khi Moscow ra đạo luật mới siết chặt kiểm soát đối với hoạt động của các tổ chức này, đồng thời cảnh báo về những thực thể nước ngoài “đe dọa nền tảng hiến pháp và an ninh quốc gia Nga”.
|
Đứng sau Hồ sơ Panama?
Một nội dung đáng chú ý khác trong số tài liệu rò rỉ là OSF đóng vai trò tài trợ chính cho Hiệp hội Các phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ). Đây chính là nhóm tung ra lượng thông tin mật mang tên Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới hồi đầu năm. Theo Hồ sơ Panama, hàng loạt chính khách, quan chức, người nổi tiếng đã thông qua Công ty luật Mossack Fonseca để lập công ty bình phong và quỹ đầu tư ở các “thiên đường thuế” trên thế giới. Tên của Tổng thống Putin không xuất hiện nhưng rất nhiều nhân vật thân cận của ông bị Hồ sơ Panama “điểm danh”, dẫn tới nghi ngờ về tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Theo Đài RT, thông tin về sự liên hệ giữa OSF và ICIJ là bằng chứng cho cáo buộc từ Tổ chức WikiLeaks rằng chính tỉ phú Soros “đạo diễn” vụ Hồ sơ Panama để bôi nhọ ông Putin và gây bất ổn.
Một hồ sơ khác mang tên “Kế hoạch Nga 2014 - 2017” cho thấy OSF thậm chí vạch ra phương hướng cụ thể những gì cần làm để “thúc đẩy thay đổi tại Nga”. Sau thất bại của đợt đại biểu tình năm 2012, tổ chức này nhận định cần tiếp tục nhận diện và tập hợp những nhân vật đối lập với chính phủ trong nhiều thành phần. Trong đó, OSF cho rằng phải giành được sự ủng hộ của giới luật sư và luật gia để có thêm tiếng nói chống lại “đạo luật áp bức nhằm vào tổ chức dân sự”. Tiếp theo là cần đẩy mạnh truyền thông độc lập và hỗ trợ giới trí thức Nga “tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận cấp độ quốc tế để thúc đẩy chủ nghĩa toàn cầu”.
Nội dung tài liệu cũng nhấn mạnh phải lôi kéo và thúc đẩy quyền lợi của người đồng tính và chuyển giới. Đây là diện đối tượng mà phương Tây cho rằng chịu sự kỳ thị lớn ở Nga.
Bên cạnh đó, theo Sputnik, các cáo buộc về tham nhũng, lạm quyền và trục lợi tại Nga liên quan đến công tác Tổ chức Thế vận hội mùa đông ở Sochi năm 2014 cũng nằm trong “Kế hoạch Nga 2014 - 2017”.
Tỉ phú George Soros, 86 tuổi, hiện là người giàu thứ 24 trên thế giới với tài sản ước tính khoảng 24,9 tỉ USD, theo tạp chí Forbes. Từ lâu, ông nổi tiếng và cả khét tiếng nhờ thu được lợi nhuận khổng lồ từ các đợt khủng hoảng tài chính lớn của thế giới như vào năm 1992 tại Anh và 1997 tại châu Á. Đồng thời, tỉ phú này cũng được cho là đóng vai trò quan trọng trong nhiều biến chuyển lớn, chẳng hạn như giai đoạn biến động chính trị 1984 - 1989 tại Đông Âu.
Hồ sơ do DC Leaks tung ra còn cho thấy ông Soros đứng sau thúc ép EU phải mở cửa với người tị nạn và nhập cư, tích cực tài trợ cho các nhóm cực đoan tại Mỹ đồng thời đổ nhiều tiền của vào quá trình vận động tranh cử tổng thống nước này hiện nay. Đến hôm qua, website của DC Leaks đã bị đánh sập trong khi tài khoản trên mạng xã hội Twitter của tổ chức này cũng bị khóa mà chưa rõ lý do, theo trang Daily Caller. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ cáo buộc tin tặc Nga là thủ phạm vụ xâm nhập OSF còn Moscow chưa có phản ứng.
|
Bình luận (0)