Tỉ phú người Mỹ gốc Việt Trần Ðình Trường qua đời ở New York

10/05/2012 00:25 GMT+7

(TNO) Ông Trần Ðình Trường, một tỉ phú sở hữu nhiều khách sạn ở New York, vừa qua đời hôm thứ hai, 7.5.2012 (giờ VN) tại thành phố New York, Mỹ, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Trường đã bị đột quỵ, và nằm một chỗ từ mấy năm nay.

Ông Trần Ðình Trường sinh năm 1932 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trước năm 1975, ông là chủ hãng tàu Vishipco Line ở Sài Gòn, bao gồm các tàu Trường Xuân, Trường Thanh, Bông Hồng 9, Sao Mai, Patrick, Trường Vinh, Trường Hải và Trường Sinh.

Sau năm 1975, ông Trường đến Mỹ và bắt đầu kinh doanh với khách sạn đầu tiên mang tên Hotel Opera ở vùng Thượng Manhattan. Sau này, ông mở thêm khách sạn Carter ở vùng Trung Manhattan và Hotel Lafayette ở Buffafo, New York.

Tỷ phú người Mỹ gốc Việt Trần Ðình Trường qua đời ở New York 
Từ trái qua phải: PV LDB, ông Chủ tịch Hội Hồng thập tự NY, bà Nguyễn Kim Sang (vợ ông Trường), và tỉ phú Trần Đình Trường tại nhà ông bà Trường ở New York tháng 9.2001

Ngày nay, Tran Group Management, LLC đang quản trị và cho thuê hệ thống các khách sạn như Quality Inn Downtown, Best Western (Baltimore), đang xây dựng khách sạn Crown ở Baltimore, và đang xúc tiến xây dựng khách sạn 200 phòng trên đường Market ở Philadelphia.

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, ông Trường đã ủng hộ 2 triệu USD vào Hội Hồng thập tự Mỹ để giúp đỡ nạn nhân. Đây là khoản tiền lớn nhất mà một cá nhân hiến tặng cho công tác cứu trợ nạn nhân lần đó. Ngay sau khi vụ khủng bố 11.9 xảy ra, PV Lê Đình Bì, Báo Thanh Niên đã cùng ông Trần Đình Trường tham gia tiếp tế các khẩu phần ăn trưa cho nhân viên làm việc tại khu Ground Zero. Tỉ phú Trần Đình Trường đã có những chia sẻ chân tình với Thanh Niên (xem bài Người Việt ở New York dưới đây).

T.Tâm

Người Việt ở New York

Trong lần đến New York sau sự kiện không tặc tấn công hai tòa nhà của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) vào ngày 11.9.2001, PV Báo Thanh Niên có dịp tiếp xúc với ông Trần Đình Trường. Ông Trường, người đến Mỹ với hai bàn tay trắng và sau 26 năm quyết chí làm ăn, nay là chủ nhận hai khách sạn lớn: Lafayette ở thành phố Buffelo (tiểu bang New York) và khách sạn Carter 700 phòng ở đại lộ 43, khu trung tâm Times Square, TP.New York.

 Tỷ phú người Mỹ gốc Việt Trần Ðình Trường qua đời ở New York 1
Ông Trường (đội nón bảo hiểm) trên đường đến Ground Zero tháng 9.2001

Ông đã hiến 2 triệu USD cho nạn nhân cuộc khủng bố ở New York và Washington D.C. Đây là khoản tiền lớn nhất mà một cá nhân hiến tặng cho công tác cứu trợ nạn nhân lần này. Dưới đây là trao đổi giữa PV Thanh Niên và ông Trần Đình Trường:

PV: Động cơ nào thúc đẩy ông hiến tặng một khoản tiền lớn như vậy?

-Ông Trần Đình Trường (Ô.TĐT): Trước hết, các anh đến đây và đã thấy rất rõ tấn thảm kịch. Có những gia đình đang vui vẻ thế này, đang an vui, sung sướng thì bỗng nhiên bị chia lìa đau khổ. Khổ nạn này rất đau thương.

Chúng tôi thấy tinh thần thiện nguyện của người Mỹ rất cao. Họ từ khắp nơi đổ về, thậm chí Trung tâm dịch vụ khẩn cấp không còn tiếp nhận họ được nữa vì quá nhiều người làm công tác hậu cần rồi. Về hiến máu, các anh có biết không, hai ngày đầu họ không thể hiến máu được. Người ta sắp hàng lớp lớp, phải hẹn hai ngày sau mà họ vẫn đến hiến máu như thường. Chúng tôi thấy như vậy nên chia sẻ hoạn nạn cùng với họ. 

Tỷ phú người Mỹ gốc Việt Trần Ðình Trường qua đời ở New York 2 
Tiếp tế các khẩu phần ăn trưa cho nhân viên làm việc trong khu Ground Zero tháng 9.2011

PV: Biến cố xảy ra đã 13 ngày, công việc kinh doanh trong thành phố hiện nay như thế nào?

Ô.TĐT: Các nhà hàng hiện nay đã có người ăn, dù thưa thớt. Trên đường phố, xe taxi và các loại xe khác đã chạy rồi, mặc dù không như ngày xưa nhộn nhịp quá chừng. Tôi tin là vài tuần nữa, sinh hoạt sẽ lại bình thường vì ai cũng cần đi làm, ai cũng cần kinh doanh hết.

PV: Cộng đông người Việt ở New York có đông không? Có tổ chức vận động cứu trợ?

Ô.TĐT: Người Việt Nam ở đây khoảng 30.000-40.000 người nhưng sống rải rác khắp tiểu bang.

Ở khu Manhattan này thì chỉ có một ít người gốc Việt và Việt gốc Hoa nhưng họ chỉ đến làm việc ban ngày, buổi chiều thì về New Jersey, Long Island... Chúng tôi là những người ở sát sườn với nơi xảy ra sự cố nên rất lưu tâm.

Việc thiện nguyện chẳng phân biệt ai nhưng để vận động trong cộng đồng thì khó khăn vì ở cách nhau xa quá. Nếu có chăng thì sau nữa chứ hiện nay thì chưa.

PV: Ông là một doanh nhân thành công tại New York, nơi được xem là trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Ông được xem là một trong những triệu phú hàng đầu của người Việt ở hải ngoại. Vậy ông có thể cho biết yếu tố thành công trong kinh doanh tại xứ người?

Ô.TĐT: Tôi cũng không rõ là hàng đầu hay hàng thứ mấy nhưng theo hiểu biết của tôi, tất cả chỉ tựu trung vào hai chữ “cố gắng”. Cố gắng làm việc thì tất yếu dẫn tới thành công. Tầng lớp nào, nghề nghiệp nào cũng vậy thôi. Nếu cố gắng làm việc thì sẽ thành công trong tầng lớp đó, nghề nghiệp đó. Vừa cố gắng làm việc vừa học hỏi để tiến bộ. Đó là vấn đề rất quan trọng.

PV: Xin cám ơn ông.

P.V

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.