Mỗi lúc rảnh rỗi, chị Mai (bên phải) xuống xưởng phụ giúp cho chị em lao động.
Chị Mai bên những nong mực chờ sấy khô - Ảnh: Linh Phạm |
Đôi quang gánh ngày ấy
Hơn 30 năm trước, những người đàn bà ở Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) luôn oằn lưng dưới những gánh muối, kĩu kịt đi đến các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn (Quảng Ngãi) để đổi muối lấy lúa, thế nhưng cái nghèo vẫn bám riết quanh năm vì 5-6 gánh muối chỉ đổi được một gánh lúa. Chị Lê Thị Mai từng là một trong những người phụ nữ không tên ấy.
"Năm đó tui chừng 25 tuổi", chị Mai kể. Lúc bấy giờ chị Mai đã có một con nhỏ 2 tuổi và bụng đang mang thai đứa con thứ hai. "Tình thế lúc ấy rất túng quẫn, nghĩ bán muối bỏ con không đặng nên tui một bên gánh con, một bên gánh hàng đi bán". Chị Mai phải vào tận Tam Quan (Bình Định) lấy mực khô về bán cho các hàng quán dọc quốc lộ 1A.
Nhớ về những ngày ấy, chị nói gỏn lọn mà biểu cảm "cực lắm!". Có lẽ hình ảnh người mẹ bụng mang dạ chửa một bên gánh mực khô, một bên gánh con đã làm cho nhiều người mủi lòng, vì thế tiếng rao "mực đây, mực đây" đã dần trở nên thân thuộc, khách mua hàng của chị mỗi lúc một đông.
Nhờ siêng năng cóp nhặt, sau khi tích lũy được một số vốn nhỏ, chị Mai quyết định đầu tư mua mực tươi để sấy khô tại nhà. Căn nhà nhỏ khoảng 100 m2 với những dăm mười nong sấy mực lúc bấy giờ là tiền đề cho một cơ ngơi có thể khiến nhiều người trầm trồ.
Đến cơ ngơi bây giờ
Dọc theo con đường ven biển xã Phổ Thạnh, tàu cá neo đậu thành từng hàng như chờ lệnh xuất quân, phía cuối con đường là Công ty TNHH MTV Thanh Mai đồ sộ như một tổng hành dinh. Trong khuôn viên rộng khoảng 1.300 m2 này, 200 công nhân đang làm việc theo quy trình từ làm mực, phơi nắng, sấy khô, đóng gói thành phẩm, dán nhãn thương hiệu "Thanh Mai" rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Mua lại trụ sở của một doanh nghiệp nước ngoài làm ăn thua lỗ, chị Mai cho biết chị mất 1 năm để đàm phán giá cả và mới đưa xưởng sản xuất của chị về đây 2 tháng. Công ty của chị Mai mỗi năm bán ra thị trường khoảng 100 tấn mực thương phẩm với giá mực giao động từ 100-400 ngàn đồng/kg.
Xuất thân từ nghèo khó, chị Mai luôn cảm thông với những người lao động cùng cảnh và cả những ngư dân thiếu vốn ra khơi. Chị rất sẵn lòng ứng trước vốn cho các chủ thuyền, vì cử chỉ "nặng nợ" đó mà chủ thuyền nào cũng không nỡ phụ lòng chị, nguồn cung mực tươi cho xưởng vì thế cũng được đảm bảo.
Không những làm giàu cho bản thân, chị Mai còn tạo thu nhập ổn định cho bà con ở xã Phổ Thạnh với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai cho biết: "6 tháng đầu năm xưởng thường nghỉ vì không có mực làm, bây giờ tui đang tính mở rộng sản xuất thêm sản phẩm khác như cá, tôm... để lấp thời gian nhàn rỗi trong những tháng không có mực". Nhờ có xưởng mực của chị Mai mà chị em phụ nữ ở Sa Huỳnh vốn trước đây chỉ biết “gửi đời mình vào muối” giờ đã có công việc ổn định và nhẹ nhàng hơn.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xưởng sản xuất, chị Mai bồi hồi: " Hồi đó tui làm gì nghĩ có ngày được như bây giờ, cứ vừa làm vừa tính rồi cuối cùng cũng có chút ít thành quả". Năm nay chị Lê Thị Mai 52 tuổi, trên khuôn mặt đầy đặn của chị, những dấu vết của một thời cơ hàn dường như đã lùi lại rất xa.
Linh Phạm
Bình luận (0)