(TNO) Nhiều người vẫn gọi chị Huỳnh Thị Ánh Hồng là “tỉ phú ve chai”. Sau hơn 1 năm chờ đợi, câu chuyện 5 triệu yen đã có kết cục đẹp. Ít ai biết, trong cuộc vất vả với cuộc mưu sinh cơm áo, những nụ cười luôn là hành trang cho chị để hướng về tương lai.
Mỗi ngày, chị Hồng vẫn rong ruổi khắp nơi thu mua ve chai đến tận tối mới về
|
Ra đời từ năm... lớp 2
Đến con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM). Gần 7 giờ tối, chị Hồng vẫn đang hì hục với đống ve chai vừa mua được sau một ngày vất vả.
Căn nhà chật chội, ẩm thấp chất đầy phế liệu nhưng lúc nào cũng rộn rã với những câu chuyện. Chị Hồng chia sẻ, hiện tại vợ chồng chị đang sống chung với gần 10 người cùng quê, cùng làng ở Quảng Ngãi, cùng nghề mua bán ve chai ở Sài Gòn.
Đây chính là căn nhà mà chủ vựa đã để lại cho chị ở từ những ngày đầu tiên đẩy xe đi mua phế liệu.
Chỉ tay lên cái quạt đang ì ạch quay giữa cái hầm hập của Sài Gòn, chị Hồng cười nói: tất cả đồ đạc trong nhà này đều là đồ người ta bán ve chai, chị mang về sửa rồi sử dụng. Riêng cái nệm, chị chỉ dám để gia đình ngồi chứ chị không dám mời khách ngồi, lý do đơn giản vì nhà chứa đầy ve chai, chuột chui rúc nhiều, chị sợ làm khách “phát hoảng”.
Kể về cuộc đời mình, chị Hồng thở dài. Từ nhỏ chị đã phải sống trong cảnh nghèo khổ. Gia đình có 4 chị em gái. Học hết lớp hai, chị Hồng phải nghỉ học ra chợ bán cá kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, lo chạy ăn từng bữa.
Năm chị 16 tuổi, cha chị đột ngột qua đời để lại 5 mẹ con trong cảnh túng thiếu. Khó khăn chồng chất khó khăn. Không lâu sau, vì muốn phụ giúp mẹ, chị Hồng rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn tìm việc làm.
Những ngày đầu ở thành thị, chị làm đủ thứ việc từ rửa chén bát, phụ quán đến bán vé số dạo để kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống cơ cực một mình nơi đất khách, là phận gái nhưng hầu như chưa có nghề nào chị chưa kinh qua.
Đến năm 19 tuổi, một lần theo bà dì đi thu mua phế liệu, thấy công việc thích hợp với mình và cũng kiếm được chút tiền nên chị Hồng quyết định sắm một đôi gánh và theo nghề mua ve chai, phế liệu kể từ đó.
Chị Hồng nói về những ước mơ nếu nhận được số tiền 5 triệu yen
|
“Bây giờ có cái xe đẩy đi cũng là sướng lắm rồi đó chứ hồi đó, những ngày đầu làm nghề này, chị phải gánh từ Phú Bình về Âu Cơ để bán. Nghề này cực lắm mà thu nhập chỉ đủ sống thôi. Làm lâu năm quen rồi thì làm chứ nghề này không giàu được đâu”, chị Hồng chia sẻ.
Bữa ăn tối cả nhà chỉ 20 ngàn đồng
Tâm sự về công việc hàng ngày, chị Hồng cho biết, nghề ve chai làm quần quật cả năm, ngày nắng có cái cực của ngày nắng, ngày mưa có cái khổ của ngày mưa.
Những hôm Sài Gòn nắng gắt gỏng, chị Hồng phải đi ngoài đường cả ngày. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng cũng chỉ dám ngồi bên lề đường nghỉ ngơi một lát rồi phải cố gắng đi tiếp, vì chỉ có chăm chỉ đi mua phế liệu chị mới kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống.
Còn với những bữa trời mưa chị phải khổ trăm bề. Nếu may mắn, được mối gọi thì có cái để mua, để bán, còn không thì đội mưa ngoài đường cả ngày… tay trắng.
“Mưa mà có người gọi là mừng như bắt được vàng. Thà đội mưa, ướt áo rồi về thay là được, nhưng vẫn còn có miếng ăn, hơn cứ ngồi ở nhà chỉ có đói”. Chị Hồng cũng kể.
“Mưa mà có người gọi là mừng như bắt được vàng. Thà đội mưa, ướt áo rồi về thay là được, nhưng vẫn còn có miếng ăn, hơn cứ ngồi ở nhà chỉ có đói
|
Công việc cực khổ, lam lũ, vất vả là vậy, có khi đến tận 11 giờ khuya chị mới ăn cơm tối. Nhưng bữa cơm hàng ngày của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn trong hai chục ngàn với hai ba cái trứng và một tô canh rau.
Ngày nào ‘sang’ lắm thì ăn ba chục, có thêm tí cá, tí thịt. Vậy nên dù nắng hay mưa cả hai vợ chồng vẫn còn có miếng cơm bỏ bụng.
Chị Hồng thường nấu bữa cơm tối vào lúc 21 giờ
|
Khi chúng tôi hỏi về hai đứa con đang sống với bà ngoại ở quê, đôi mắt chị Hồng rơm rớm nước.
Chị tâm sự, cha mẹ nào mà chẳng thương con cái, cực lắm nên mới phải để hai đứa ở quê như vậy. Những năm trước một năm chị Hồng còn về quê được 2 lần thăm con. Nhưng vài năm gần đây, do số tiền dành dụm ít ỏi của vợ chồng còn để đầu tư cho các con ăn học và phòng lúc ốm đau bệnh tật nên chị chỉ về thăm con được 1 lần.
“Nhiều lần đi mua ve chai, nhìn thấy con người ta sung sướng, nhớ đến con mình. Chị chỉ biết lấy ngồi ngay vỉa hè, lấy điện thoại ra gọi liền về để nghe tiếng tíu tít của con. Những lúc như vậy là những lúc nhớ con chảy nước mắt”, chị Hồng tâm sự.
Mặc dù sắp tới đây có thể chị sẽ nhận được số tiền lớn 5 triệu yen từ công an Q.Tân Bình, TP.HCM nhưng chị cho biết, chị vẫn sẽ gắn bó với công việc hiện tại vì nó đã là một phần cuộc sống.
“Cái nghề này tuy vất vả, lam lũ nhưng nó gắn với mình rồi. Cũng như căn nhà chị đang ở đây, dơ dáy, ẩm thấp vậy chứ rời đi không có được, quen mùi rồi”, chị Hồng tâm sự.
Khi được hỏi về những dự định nếu nhận được số tiền 5 triệu yen, chị Hồng cho biết: “Mỗi lần nghĩ đến ngày nhận tiền, chị vẽ ra nhiều chuyện lắm, nào là xây lại nhà cho mẹ chị và mẹ chồng ở quê, mua cho thằng em chiếc xe để đi lại rồi đón 2 đứa con vào Sài Gòn để gia đình sum họp. Vợ chồng mỗi ngày đi làm nuôi cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng….”
Bình luận (0)