|
“Thôi đi ông, đừng có bịa nữa. Nghe rác cả tai”.
“Thật mà!”.
“Sao ông không bịa nốt, trứng nở ra hẳn con rồng?”.
“Bà biết gì, vịt là thật, rồng là ảo. Gà thì chỉ có thể đẻ ra vịt thôi. Đều hai chân. Nhưng đứa con thì biết bay, dù lẩy bẩy. Thế cũng là có phúc rồi”.
“Gàn quá đi mất…”.
Có một ông già, rất gầy, dắt xe đạp đi dưới lòng đường, sát lề đường. Xe có vẻ nặng, ghi đông treo một cái túi, sau xe có một cái hòm nhôm kính to tướng, tầng dưới để đầy những nắm cơm nắm xinh xinh màu trắng ngà, tầng trên là xúc xích đỏ au và những gói giấy báo nhỏ sặc sỡ. Lại có cả một cái rổ nhỏ treo toòng teng ở yên xe.
Có một bà già, cũng rất gầy, ôm một cái cặp giấy gập đôi đi trên vỉa hè, sát lòng đường.
Thỉnh thoảng ông già mặt mũi bỗng tự nhiên tươi tỉnh như nghĩ ra điều gì thú vị lắm, lại ngoái lên phía vỉa hè nói, còn bà già nghe xong lại cằn nhằn, mặt khó đăm đăm. Đôi khi họ lại cãi nhau điều gì, cả hai đều nhăn nhó. Cãi nhau điều gì đấy? Chả có gì đặc biệt. Đang đi, bà kêu lên:
“Kìa kìa, hòn đá!”.
“Hòn đá thì đã sao?” - ông già càu cạu.
“Đường quang không đi, cứ đâm quàng vào bụi rậm”.
“Biết rồi. Bà cứ làm như tôi mù ấy. Lúc nào cũng thích chỉ đạo”.
Mười một giờ rưỡi, hai người dừng chân gần một công sở có cái cổng cực to.
Ông già dựng xe cẩn thận rồi đón lấy chiếc cặp từ tay bà già. Lộn cặp một cái rất điệu nghệ, lộ ra những tập vé xổ số nằm như đội quân xếp hàng. Bà già choàng tạp dề vào người. Rồi hai người đứng chờ.
Lúc sau, ông già mấp máy môi định nói gì đấy, nhưng bà già lườm, ông im bặt.
Chỉ được một lúc, ông lại máy môi, bà lại lườm, nhưng lần này ông không im. Ông bảo: “Cái bà này, phải biết, tôi không thể không nói. Ấy là cái nghề cũ của tôi”.
Bà già bảo: “Này ông gàn, nghề mới của ông là bán vé số, hiểu chưa, dành hơi sức tí nữa mà nói!”.
Mười hai giờ kém, đã thấy mấy cô áo quần như bươm bướm là là bay từ công sở ra, là là sà đến chỗ bà già: “U ơi, cho con hai nắm”, “Con bốn nắm”. “Cô ăn với gì, xúc xích, ruốc hay muối vừng?”. “Xúc xích chứ, mới đủ năng lượng phục vụ nhân dân”. “Còn con, cho con muối vừng, giữ eo mới là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc u ạ”.
“Xúc xích cắt ra nhé?” - bà già hỏi.
Một cô lè lưỡi: “U ơi, u chúc cái mũi con dao xuống, trông ghê chết đi được, cứ như sắp giết thằng nào ấy”.
Ông già nhã nhặn: “Các cô ơi, tiền lẻ mua vé số đi, để làm gì cho chật ví, biết đâu hạnh phúc mỉm cười?”.
“Hay đấy, ông cho con nốt cũng được. Ông nói như hát ấy nhỉ?”.
Lát sau, mấy thanh niên sơ mi trắng đóng thùng, cà vạt xanh đỏ từ cổng bước ra, ngó nghiêng vào hàng cơm nắm. Một chàng định mua, chàng khác co kéo bảo đi ăn phở. Ông già bảo: “Phở mai ăn cũng được, hôm nay cơm nắm chấm vé số, về phòng bật điều hòa ngồi ăn, cuối giờ chiều làm vại bia nghe kết quả, đời thế có tươi hơn không?”. Mấy chàng phá lên cười: “Hay!”.
Nhưng chồng cơm nắm chẳng vơi đi bao nhiêu. Có vẻ hết người mua, bà già bảo: “Ta sang sở khác đi”. Ông già bảo: “Ừ. Đi”.
Nhưng sang đến sở khác, chỉ thấy mọi người lục tục kéo nhau về sở. Bụng họ chắc đã đầy. Ông bảo: “Bụng no không ai mua vé số. Thôi ta đi rong vậy”. Bà già thở dài: “Chỉ thích đi”.
Hai ông bà già lại đi. Ông lại dắt xe dưới lòng đường, bà lại ôm cặp đi trên vỉa hè. Bà vừa đi vừa nhăn. Thỉnh thoảng dừng lại bóp đầu gối.
“Đau à?” - ông già hỏi.
“Hôm nay tự nhiên nó thế”.
“Ừ. Già sinh tật như đất sinh cỏ ấy mà!”.
Đi một lúc, ông lại thấy ngứa mồm, liền quay sang bà, bảo: “Hồi xưa tôi sướng hơn. Đã đi là như gió chứ không lê từng bước như thế này”.
Bà đi chếch phía sau một chút, phì cười: “Gió? Lại bịa”.
“Ờ thì…” - ông cũng cười.
Lần này bà không nhăn nhó, không cằn nhằn. Bà bảo: “Hồi xưa hàng tôi bán một lèo là hết”.
Ông vừa dắt xe vừa nhìn lên những vòm lá xanh ngắt. Còn bà, tự nhiên trở nên ngơ ngẩn.
Ông già đã có thời làm xe ôm. Cực kỳ uy tín. Đi đến nơi về đến chốn. Chỉ tội đi như con rùa, nên người ta ngán. Thời đại này phải nhanh, thật nhanh. Phải biết luồn bên này, lách bên kia, trèo lên vỉa hè, cắt đầu xe khác. Thành thử khách ít dần, ông già chán dần, bỏ. Xe vẫn để xó nhà, thỉnh thoảng nổ máy pành pành cho vui.
Còn bà già đã từng có nghề làm miến lươn bán đầu ngõ. Khách ăn đông, ai cũng khen ngon. Ông già đứng đó máy mồm, bảo: “Gia truyền mấy đời mà lại không ngon? Phố cổ đấy”.
Từ đó, ai cũng tin bà là truyền nhân miến lươn của mẹ bà, trùm miến lươn trong phố cổ ngày xưa, cụ ấy lại là truyền nhân của cụ cố, và vì vậy khách lại càng đông hơn.
Lâu lắm ông mới được bà khen: “Này, ông bịa chuyện mà được việc ra phết. Hơn hẳn chuyện gà đẻ ra vịt”. Ông vênh: “Ma-két-tinh đấy”. Bà lập tức chê: “Lại giở chữ nghĩa ra, thối lắm”. Ông cười đau khổ: “Được một câu khen kèm một câu chê, thôi nhiều tiền là được”.
Thế nhưng chẳng cái gì được lâu. Giá “đầu vào” tăng vù vù, xưa một đồng ba bó miến mang đến tận nơi, nay đồng một bó đi mà lấy. Lươn cũng vậy, hành răm cũng vậy, đến tiền nước lã cũng tăng. Nhưng giá “đầu ra” không thể tăng, mất khách ngay tắp lự. Muốn không lỗ vốn, muốn khách chỉ mất dần chứ không mất ngay, chỉ còn cách giảm lươn tăng bột ngọt, bát miến lươn hồi xưa đầy bây giờ vơi. Kết quả là dân tình chê: Phố cổ mà thế à? Gia truyền mà thế à?
Ông bao giờ cũng lắm sáng kiến. Một hôm ông bảo: “Miến lươn cũng cổ, nhưng chưa cổ bằng cơm nắm muối vừng. Để tôi bán cái xe”.
Ông già mang xe ra chợ xe máy. Suốt từ đầu ngõ đến cuối ngõ Chùa Hà ông được các thanh niên bặm trợn lần lượt túm lấy đòi mua, anh nào anh ấy như muốn ăn tươi nuốt sống ông, khiến ông hoảng. Đi một bước là một lần cái xe máy bị lắc, bị soi, cuối cùng ông hoảng quá bán ngay cho thằng nào lắc ông chứ không lắc xe.
Tiền đem về, ông sắm xe đạp, bảo: “Gồng gánh bây giờ lạc hậu, ta phải hiện đại hóa”. Rồi bảo: “Còn bà thì góp tiền vào đây làm hòm nhôm kính, sáng choang mới đắt khách. Bây giờ ai cũng sợ vi trùng”.
Bà ậm ừ, vì đang mải nghiên cứu kinh nghiệm làm cơm nắm mới học mót được từ một bà cơm nắm mới quen dân Lạc Đạo Hưng Yên.
Bất ngờ bà bảo: “Ông nói phải (ái chà, mấy hôm nay được mùa lời khen, giá cấp thêm cái bằng khen thì tốt, ông nghĩ), ta phải hiện đại hóa, đi tắt đón đầu. Bây giờ ngoài muối vừng, ruốc, còn phải chuẩn bị xúc xích Đức (ông gật gù, xúc xích Đức thì nhất rồi còn gì), và vé xổ số”. “Hả?” “Vé xổ số”.
Ông bất ngờ reo lên: “Dự án rất khả thi. Đồng ý phê duyệt”.
Từ đó, dân Hà Nội thấy có hai ông bà già đẩy xe đạp hòm nhôm kính đi bán cơm nắm muối vừng xúc xích Đức kèm vé số ven những con đường rất đẹp, đặc biệt hay dừng chân gần các công sở và trường học.
Nhưng bà vẫn chẳng quên cái rổ. Được hai hôm, bà nhặt cái rổ nhỏ đã cũ trong bếp, đen sì, đầy mùi tanh của lươn, lấy lạt giang ra, nhất quyết treo vào yên xe.
Ông hỏi: “Rổ để làm gì?”.
Bà bảo: “Chẳng để làm gì. Nhưng vẫn phải có rổ. Đi bán hàng, không có rổ như người không mặc quần áo”.
Lần đầu tiên ông chê ra miệng: “Rõ bà gàn hơn tôi”.
Có thanh niên tò mò: “Hai ông bà là thế nào?”. Ông bảo: “Bạn thân đấy”. Bà bảo: “Hàng xóm”. Thanh niên cười cười: “Thôi hai cụ lấy nhau đi!”. Ông bảo: “Ý hay đấy, mua chục vé số lấy may nhé?”. Thanh niên rút ví: “Thôi được, chiều cụ. Chúc hai cụ hạnh phúc”.
Ông già sướng quá cười.
Đợi thanh niên đi khuất, bà già cáu: “Cười gì mà cười?
Vô duyên”.
Ông vẫn cười: “Thì vô duyên mới phải đi bán vé số chứ? Có duyên đã ngồi nhà lĩnh độc đắc”.
Bà gầm gừ trong cổ điều gì. Rồi bảo: “Mà này, ông có cười thì nhớ ngậm mồm lại”.
“Sao phải ngậm mồm?”.
“Răng cái còn cái mất, cười hở mồm trông xấu lắm. Với lại, bao nhiêu cái nhăn nheo nó hiện ra hết. Người ta khiếp, không mua vé số của ông nữa”.
“Đã cười, không ngậm mồm được. Mất vui” - ông già bảo.
Hôm nay, trời oi bức đến kinh người. Mặt trời soi ánh nắng xuống đỉnh đầu. Những chòm lá lờ đờ buồn ngủ.
Bỗng ông già dừng chân bên một gốc sấu già. Ở đó có một người đàn bà ngồi bệt xuống vỉa hè, trông rất thiểu não. Ăn mặc cũng không đến nỗi nào. Một cái tay nải nhỏ đặt bên cạnh. Thời nay không ai dùng tay nải. Phải túi du lịch hoặc va li.
“Này này, sao lại ngồi đây, ốm à, mặt tái nhợt kia kìa!” - ông già nói.
Người đàn bà không thèm trả lời, quay mặt đi.
Bà già lom dom nhìn. Ông già nghiêng đầu nghiêng cổ.
Bà bảo: “Đói quá đấy mà!”.
Ông bảo: “Mua cơm nắm không?”.
Người đàn bà cố tình quay mặt đi chỗ khác. Một nửa giọt nước mắt rỉ ra. Không, chắc chỉ một phần ba một phần tư. Mà chỉ rỉ ra ở một bên mắt. Mắt trái.
Bà già thở dài: “Lại con cái đuổi ra đường chứ gì?”.
Lần này, một giọt nước mắt to tướng xuất hiện. Không, hai giọt, vì ở hai bên mắt.
Ông già nhìn bà già, bà già nhìn ông già. Chắc hẳn chuyện này đối với họ không lạ lẫm gì. Cứ lang thang suốt ngày này qua ngày khác trên đường phố, thấy thiếu gì chuyện, nhìn phát biết ngay. Ông nhăn nhó, bà nhăn nhó. Rồi ông già lấy ra một nắm cơm với một gói muối vừng, bảo:
“Này, cầm lấy, ăn đi, kẻo xỉu bây giờ”.
Người đàn bà lần lần túi áo.
“Thôi khỏi”, ông già bảo.
“Ăn ngay đi”, bà già bảo.
Rồi họ lại đi.
Lần này, ông già thôi không pha trò cười nữa. Vẫn ông dưới đường, bà trên đường. “Tách tạch tách tạch…” - tiếng líp xe đạp khô dầu buồn bã. Rồi thỉnh thoảng “xoạch”, cái chắn bùn buộc không kỹ, lại va vào bàn đạp, kêu lên chán chường.
“Đã bảo ông sửa cái xe đi mà không chịu sửa”, bà già càu nhàu.
“Sao cứ hay càu nhàu thế không biết… Mồm chẳng để yên lúc nào”, ông già cạu cọ.
“Đồ mất dạy”, bà già bảo.
Ông già cười mũi một cái.
Họ vẫn đi.
Bỗng bà già bảo: “Này ông, ông hay tưởng tượng, bảo tôi, nếu mình cũng bị con đuổi đi, sẽ thế nào nhỉ?”.
Ông già cười: “Thì khăn gói mà đi chứ sao?”.
Bà bảo: “Ừ… Nhà cửa, tiền tài, có chết cũng chẳng mang đi được. Thôi để lại cho chúng nó, chúng nó còn phải sống chứ? Chỉ có cái khăn gói là của mình”.
Đang đi, bỗng nghe tiếng va đập rất mạnh. Một vụ tai nạn giao thông. Giữa đường, một người đàn bà ngã lăn quay, người văng đi một nơi, xe văng đi một nẻo. Cái yếm xe máy rách tươm, vụn bay tung tóe khắp nơi. Mặt mũi người đàn bà nhăn nhúm, vẻ đau đớn lắm. Thằng gây tai nạn vù xe biến mất sau khúc ngoặt.
Người đổ ra vây kín người đàn bà ngã xe. Người ở đâu ra không biết? Đang trưa nắng vắng người?
Người ta xôn xao, người ta chỉ trỏ.
Một lúc sau, ông già bảo bà già: “Ta ra xem sao?”.
Bà già cất cẩn thận cái cặp giấy đựng vé số vào hòm nhôm kính, rồi cùng ông già dựng xe gọn bên gốc một cây sấu già, và hai người chạy ra ngó nghiêng. “Nào nào xê ra nào”, bà bảo. “Đã có ai gọi xe cứu thương chưa?”, ông già kêu to.
Nhưng chẳng ai tỏ vẻ gì. Vẫn tiếp tục bình phẩm. Người đàn bà ngã xe vẫn nhăn nhó và tay ôm lấy ngực. Đôi mắt nhìn đám đông cầu cứu. Bà già ngồi thụp xuống, loay hoay xoa xoa người đàn bà. Ông già hét lên: “Ai cho mượn cái điện thoại di động?”.
Nhưng chẳng ai cho mượn điện thoại cả. Một cô gái đưa ra cái iPhone. Ông già nhăn mặt: “Tôi không biết dùng cái này. Cô gọi xe cấp cứu hộ đi”. Rồi có người nói: “Gọi taxi hơn. Xe cấp cứu lâu lắm”. “Phải, phải”.
Một chiếc ô tô đen bóng trờ tới. Người ta chặn lại. Anh lái xe xua xua tay: “Tôi đang có công chuyện bận lắm. Gọi xe khác đi”. Một cái ô tô đỏ tươi từ từ đi đến, thanh niên thò đầu ra nhìn, rồi lại vụt đi. Mãi mới chặn được một xe taxi không khách. Ông già bà già khênh người phụ nữ lên xe.
Đám đông tản đi nhanh chóng. Cái xe máy vỡ yếm nằm chỏng chơ giữa đường, chắc đợi cảnh sát giao thông. Những cái xe đang lưu thông trên đường tránh nó như tránh bệnh dịch hạch.
Ông già bà già trở lại gốc sấu già.
“Ơ, xe đâu?” - ông hỏi.
“Nó ở đây mà?” - bà hỏi.
Ông già bà già nhìn quanh, chẳng thấy cái xe đạp chở cơm nắm đâu. Chỉ còn chỏng chơ cái rổ đen sì nằm bên vệ đường.
Hai ông bà già nhìn quanh quất. Rồi lại nhìn nhau. Thành phố thật êm đềm. Lá sấu rì rào thơm ngan ngát, làm dịu đi cái nắng chói chang.
“Có nhìn thấy mà chạy đuổi theo cũng chả chạy được, gân cốt hỏng hết rồi”, ông già thở dài. “Với lại, cũng chẳng còn hơi sức đâu mà kêu cứu”.
“Ừ”, bà già cũng thở dài.
Lâu lắm mới thấy bà đồng ý với ông, ông già nghĩ.
“Biết làm thế nào? Đi về vậy” - bà già nói.
“Thì về” - ông bảo.
Hai người về, ông thong dong đi, bà cầm cái rổ đen đầy mùi lươn đung đưa trong tay. Họ đi ngang qua một cái công viên tĩnh lặng, giờ này chẳng ai vào chơi hay đi thể dục.
“À này”, bà bỗng hỏi, “hồi làm xe ôm, ông có ngại không?”.
“Cũng ngài ngại. Chỉ sợ gặp thằng học trò cũ nào… À này, cái công viên này là nơi hồi xưa tôi tán bà đấy nhỉ?”.
Bà già nhìn vào công viên, cười buồn.
Tô Hải Vân
>> Đi tìm cà vạt tím" - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
>> Bán sách và bán giày" - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
>> Ba mét trên cầu vồng" - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
Bình luận (0)