Tích cực làm rõ nhân thân các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
09/09/2024 06:14 GMT+7

Các cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp làm rõ nguồn gốc 47 trẻ vượt quá quy mô cho phép tại Mái ấm Hoa Hồng.

Ngày 8.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, trong số 15 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, 10 trẻ có mẹ là học sinh. Cụ thể, sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Tội ác trong một mái ấm (số ra ngày 4, 5.9), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã cử tổ công tác phối hợp Phòng LĐ-TB-XH Q.12 trực tiếp kiểm tra vụ việc. Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên phục vụ và có 86 trẻ (vượt quá 47 em so với giấy phép đăng ký là 39 trẻ). Các cơ quan chức năng đã cách ly khẩn cấp các trẻ ngay trong ngày 4.9 và chuyển về 3 cơ sở xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH để chăm sóc, nuôi dưỡng là Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

Tích cực làm rõ nhân thân các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh ở Mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc tận tình tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp

ẢNH: NGUYỄN ANH

Theo đó, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đã tiếp nhận 15 trẻ (7 nam và 8 nữ) dưới 12 tháng tuổi từ Mái ấm Hoa Hồng và đưa về Khoa Sơ sinh của đơn vị để chăm sóc. Lúc mới tiếp nhận, trung tâm đã đánh số thứ tự cho các bé từ 1 - 15 do tình huống khẩn cấp và chưa được cung cấp hồ sơ, giấy tờ, ngoại trừ hình ảnh chụp các bé kèm biên bản bàn giao. Tuy nhiên, đáng lưu ý, bước đầu ghi nhận về hoàn cảnh của các em, biết được có 10/15 trẻ có mẹ là học sinh. Còn lại các bé sơ sinh có hoàn cảnh không có cha, mẹ hay mẹ đi làm ăn xa, mẹ đã qua đời...

Sau tội ác ở Mái ấm Hoa Hồng: Các em đã hết hoảng loạn, hòa nhập với ‘ngôi nhà mới'

Danh sách trẻ tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình và Làng Thiếu niên Thủ Đức hiện cũng chỉ ghi nhận các em được chuyển cho bà Giáp Thị Sông Hương (chủ Mái ấm Hoa Hồng) nuôi dưỡng, mà chưa có thông tin về người thân nào của các em.

Các cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp làm rõ nguồn gốc 47 trẻ vượt quá quy mô cho phép tại Mái ấm Hoa Hồng và xem xét liệu có yếu tố trục lợi hay không. Các yếu tố khác về thân nhân, hoàn cảnh gia đình của các em cũng đang được lưu ý.

Riêng 10/15 trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp được ghi nhận có mẹ đang ở lứa tuổi học sinh là một thực trạng đau lòng. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã nêu vấn đề "trẻ em sinh trẻ em" vào đầu năm nay, cụ thể là tại buổi sơ kết 1 năm triển khai thí điểm "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM" hồi tháng 3.2024. Đây là mô hình ra mắt vào tháng 3.2023, đặt tại Bệnh viện Hùng Vương với mong muốn thông qua công tác khám và điều trị sẽ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại để cung cấp các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân.

Tính tới tháng 6.2024, mô hình này đã hỗ trợ 58 người bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, đáng báo động là có 54/58 trường hợp rơi vào độ tuổi vị thành niên. Cụ thể, có 1 ca 10 tuổi, 2 ca 11 tuổi, 2 ca 12 tuổi, 4 ca 13 tuổi, 15 ca 14 tuổi, 20 ca 15 tuổi, 8 ca 16 tuổi, 2 ca 17 tuổi, còn lại 4 ca rơi vào độ tuổi 32, 33, 34, 38.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, 54 ca được hỗ trợ chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi", bởi chỉ tính riêng Bệnh viện Hùng Vương, vào năm 2023, ghi nhận có 528 trẻ vị thành niên sinh con, phá thai. Các chuyên gia về công tác trẻ em rất lo ngại tình trạng trẻ em 13 - 14 tuổi phải đối mặt với việc mang thai và sinh con, bởi điều này không chỉ gây ra nhiều thách thức về sức khỏe mà còn về việc các em sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao.

Kiểm tra Mái ấm Chúc Từ: Đưa 46 trẻ về nơi ở mới

Kiểm tra Mái ấm Chúc Từ, đưa 46 trẻ về nơi ở mới

Ngày 8.9, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.Thủ Đức, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) đã tiếp nhận 46 trẻ từ chùa Phật Bửu (ấp Cây Trâm 2, xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi) và Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (thường được gọi là Mái ấm Chúc Từ, địa chỉ 57/8 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh) - hai địa điểm do bà L.T.T.H (pháp danh T.N.C.T) quản lý.

Tích cực làm rõ nhân thân các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 2.

Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (còn gọi là Mái ấm Chúc Từ, ở P.15, Q.Bình Thạnh)

ẢNH: LÊ HUỲNH


Cụ thể, qua phản ánh từ người dân, UBND H.Củ Chi đã kiểm tra và phát hiện tại chùa Phật Bửu có 24 trẻ sơ sinh. Chùa này không có giấy phép hoạt động bảo trợ xã hội. UBND H.Củ Chi đã chỉ đạo kiểm tra sức khỏe cho các trẻ và yêu cầu công an xác minh nhân thân và hoạt động của chùa. Sau khi xác minh, UBND H.Củ Chi sẽ chỉ đạo xử lý phù hợp.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Q.Bình Thạnh cũng đã kiểm tra Mái ấm Chúc Từ. Theo đó, cơ sở này có giấy phép hoạt động, đang nuôi dưỡng 22 trẻ (dưới 6 tuổi) và chưa cung cấp hợp đồng lao động của 6 nhân viên. Về việc UBND Q.Bình Thạnh nhận được thông tin phản ánh rằng có một bảo mẫu tên N. tại Mái ấm Chúc Từ có hành vi bạo hành trẻ em, sư cô T.N.C.T cho biết đã nhắc nhở bảo mẫu N.; đồng thời, mái ấm đang kiểm tra và quán triệt, nhắc nhở các cô giáo, bảo mẫu cư xử đúng mực, không đánh đập hay bạo hành trẻ, đảm bảo quyền lợi của trẻ theo quy định.

Tính đến nay, cả 24 trẻ sơ sinh từ chùa Phật Bửu và 22 trẻ từ Mái ấm Chúc Từ đều đã được chuyển về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.