Tích hợp và quản lý BHXH bằng công nghệ thông tin

31/12/2018 00:00 GMT+7

Năm 2019, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những yêu cầu cấp thiết của BHXH nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT, những năm gần đây, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Đến nay BHXH Việt Nam đã cung cấp được 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử là gần 44 triệu hồ sơ điện tử giao dịch qua mạng. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết: “Hiện toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ TT-TT ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được triển khai xây dựng và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống BHXH đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT…”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, trong năm 2019, hơn lúc nào hết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa BHXH trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành BHXH. Theo đó, ngành tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong đó tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH…
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử cả quốc gia. Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm vừa qua, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của ngành trên Big Data; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
“BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững”, ông Phương nói.
Để có thể đạt được những mục tiêu trên, ông Nguyễn Hoàng Phương cho hay, thời gian tới, toàn ngành BHXH sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, chú trọng việc cải cách hành chính song song với ứng dụng CNTT, tiếp tục rà soát và chuẩn hóa các các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chí tích hợp và quản lý bằng CNTT thay vì tin học hóa những quy trình thủ công đã có. Đây là cơ sở để ứng dụng CNTT có thể triển khai hiệu quả và tạo sự chuyển biến rõ rệt.
Bên cạnh đó, BHXH sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo tính khả thi về nguồn lực triển khai; đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, đồng thời bám sát lộ trình, mục tiêu dài hạn về ứng dụng CNTT trong kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 của ngành. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức triển khai tùy theo tình hình thực tế (thực hiện dưới hình thức dự án hoặc thuê dịch vụ CNTT theo quyết định 80/QĐ-TTg). Triển khai kiến trúc chính phủ điện tử của ngành phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật đối với các hoạt động về ứng dụng CNTT của ngành như: liên thông CSDL quốc gia về bảo hiểm; xác thực định danh điện tử; thẻ BHYT điện tử…
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31.12.2018, cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH; trên 83,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số - vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào vận hành, kết nối gần 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến T.Ư trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT. Ðồng thời, ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.