Hai bên cửa soát vé của hội trường Trung tâm văn hóa Pháp tối 6.11 rất đông người đứng chờ cơ may được “tháo khoán” để vào xem chầu văn. Trong số đó có nhiều người đến mà không có vé. Một số nhóm khác vé ít, người nhiều với lý do kèm trẻ em, hay vé hai người. Kết quả, cho đến khi người có vé vẫn tiếp tục đến thì hội trường đã không còn một ghế trống, kể cả ghế nhựa kê bổ sung. “Nhu cầu của công chúng rất lớn”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, người đã xuất bản nhiều cuốn sách về đạo Mẫu, nói.
|
Gắn bó nhiều năm với đạo Mẫu, GS Thịnh không lạ lẫm gì với hát văn và nghi lễ hầu đồng. Cách đây gần 2 năm, chính ông là người cầm trịch một buổi giới thiệu hầu đồng cũng tại trung tâm văn hóa này. Hôm ấy, người quan tâm kéo đến chật hội trường, tràn ra sảnh. Nhưng ngay cả sảnh của trung tâm với màn hình trực tiếp cũng không “đủ đô” với công chúng, bởi lượng người muốn xem quá lớn. Họ không chỉ được xem mà còn được giải thích cặn kẽ về từng sắc áo, từng giá đồng, từng vị thánh. Sau cuộc “hầu đồng diễn giải” ấy, hầu đồng được giải khá nhiều oan ức nhận thức. Chính vì thế, về đêm chầu văn “chay” không diễn dịch tối 6.11, ông Thịnh tiếc nuối: “Đã không có giải thích cụ thể về nghệ thuật hát văn, cho dù việc tổ chức khá công phu. Và cảm giác buổi tối trở thành một buổi lên đồng”.
Trên sân khấu, ngoài hoành phi, câu đối, ba chiếc sập được đặt chễm chệ. Hai bên cho nghệ sĩ hát văn trong ánh sáng yếu. Sập chính giữa cho người hầu bóng với ánh sáng tập trung. Khi nghi lễ hầu đồng bắt đầu, tất cả đều dõi theo những cử động trên chiếc sập trung tâm này. Hát văn, với sự giới thiệu đầu mục bài, đã mau chóng trở thành một phần nhỏ phụ thuộc giá đồng.
Tinh thần đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng càng trở thành tâm điểm rõ nét hơn trong những hương, hoa được tuyển quá kỹ. Chậu địa lan cánh hồng thăm thẳm. Hai bên ban thờ là hai bình hoa xanh mướt ngọn, điểm phớt hồng xòe tán như hai chú chim công. Tinh thần Mẫu - bà mẹ của tự nhiên - thể hiện mạnh đến mức, lấn át đến mức người ta quên mất hát văn mới là phần quan trọng nhất lúc đó.
Những giá đồng liên tiếp nối nhau trong xiêm y lộng lẫy, đa sắc hết vàng lại xanh, hết đỏ lại tím và ánh lên sắc chỉ tơ kim tuyến. Công chúng khi ấy chỉ còn dõi theo đôi bàn tay, những cú xoay người của thanh đồng. Hát văn thực sự bị dẹp sang hai bên lề sân khấu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính vì thế, nhìn xuống khán giả có thể mau chóng nhận biết ai là con nhang đệ tử của hầu đồng, ai là “lính trơn”. Những thành viên của các nhóm hầu đồng lắc lư và trầm trồ, chỉ chỏ từng cử động của thánh - điều mà họ đã thuộc nằm lòng. Số còn lại, tuy cũng có chút vui lây theo từng điệu hát, nhịp múa cũng không nhận thêm mấy “giá trị gia tăng” nhận thức về ý nghĩa các làn điệu hát văn.
m thanh không tốt với nhiều tiếng vọng cũng ảnh hưởng tới chất lượng của hát văn. “Chúng tôi ngồi cuối và nghe không rõ, không đã”, một người từng dự hầu bóng, hát văn nhiều lần cho biết.
Tuy nhiên, từ góc độ hầu đồng, chương trình cũng có điểm yếu. Bài trí với ba chiếc sập cao khiến người nhập đồng khó “phiêu”. “Nghệ sĩ có thể không cần ngồi sập mà trải thảm ngồi xuống dưới. Sập của người lên đồng thấp chừng 20 phân thôi, rộng ra cho dễ bước lên bước xuống. Nhờ đó, khi thăng đồng họ sẽ thoải mái hơn và có thể bước xuống thảm. Không gian mở rộng hơn thì họ múa cũng hay hơn”, ông Thịnh nói.
Chầu văn đang đứng trước cơ hội có thể trở thành di sản văn hóa thế giới. Việc một trung tâm văn hóa nước ngoài tổ chức đêm chầu văn cũng chính là một cách “bỏ phiếu” kín đáo cho di sản này. Tuy nhiên, việc tổ chức không có điểm nhấn vào chầu văn sẽ dẫn tới việc tôn vinh “nhầm” nghi lễ hầu bóng. Khi đó, trong nhận thức của công chúng, chầu văn sẽ trở thành nghệ thuật “ăn theo” hầu đồng. Điều này thực sự đáng tiếc.
Trinh Nguyễn
>> Chầu văn có “hiệp hội”
>> Thính phòng đối thoại chầu văn
Bình luận (0)