Lang thang trên mạng internet để tìm sự đồng cảm sau thất bại của Milan trước Barcelona, tôi mất không quá nhiều thời gian để được chia sẻ và “ngộ” ra thêm nhiều điều liên quan đến hai chữ “fair play”.
Tôi còn nhớ, hồi World Cup 1990, họa sĩ Trịnh Cung có viết cảm nghĩ của ông về tình huống mà Roger Milla (Cameroon) đã ghi được bàn thắng sau khi cướp bóng trong chân của thủ môn ham rê dắt bóng Rene Huigeta (Colombia). Đại ý, ông cho rằng Milla chỉ nên cướp bóng và sau đó đừng… ghi bàn, mà hãy trả lại cho Huigeta. Làm như thế vừa thể hiện tinh thần thượng võ, vừa dạy cho thủ môn người Colombia một bài học, vừa thể hiện tính nhân bản cao độ. Lúc đó, tôi phì cười với suy nghĩ quá thi vị nhưng phi thực tế của ông Trịnh Cung.
Đúng 10 năm sau, ở kỷ nguyên đồng tiền chi phối bóng đá đến mức một bàn thắng đôi khi có giá trị mấy chục triệu USD (trụ hạng hay giành quyền dự Cúp châu Âu), chuyện phi thực tế của ông họa sĩ kia bỗng nhiên trở thành siêu thực.
|
Trong một trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh mùa bóng 2000-2001, Paolo Di Canio - từng xô ngã trọng tài Paul Alcock hai năm trước đó để nhận án treo giò 11 trận - đã có một hành động làm cả hành tinh bóng đá ngưng động. Trong tình huống đối diện khung thành trống và có khả năng ghi bàn khi nhận đường tạt bóng của đồng đội, Di Canio đã giơ tay ra hiệu thủ môn Paul Gerrard của Everton đang nằm vật vã trên sân (lật đầu gối) rồi tự mình bắt bóng bằng cả hai tay dù chưa có tiếng còi của trọng tài. Thay vì nhận chiếc thẻ vàng hay thẻ đỏ vì chơi bóng bằng tay, Di Canio nhận giải Fair Play 2001 do FIFA trao tặng. Cũng từ ngày đó, West Ham của anh trở thành một đội bóng mà tôi ngưỡng mộ và luôn dõi theo dù hiện nay họ đang chơi ở League Championship (dưới Premier League).
Không chỉ có bóng đá, sân quần vợt cũng từng chứng kiến tinh thần mã thượng của tay vợt Mỹ Andy Roddick. Ở giải Rome Masters 2005, Roddick thắng séc đầu và đang dẫn Fernando Verdasco (TBN) 5-3, 40-0 ở séc nhì. Sau hai quả giao bóng của Verdasco, trọng tài bắt lỗi kép và xem như trận đấu kết thúc. Tuy nhiên, Roddick đã báo với trọng tài quả giao bóng thứ nhì là “tốt”. Verdasco giao bóng lại và hoàn tất luôn cuộc lội ngược dòng để giành quyền vào bán kết. Sau trận đấu, Verdasco nói Roddick mãi mãi là người chiến thắng trong trận đấu này!
Hôm xem trận lượt về tứ kết Champions League giữa Barcelona và AC Milan, sau vài giây sững sờ với quyết định thổi quả penalty thứ nhì của trọng tài Bjorn Kuipers cho Barca, bất chợt tôi có cảm nhận Lionel Messi sẽ chủ đích sút ra ngoài để trả lại sự công bằng, và để chứng minh Barca vẫn sẽ thắng bằng chính sự vượt trội của mình. Nhưng thực tế không phải như vậy vì tôi cũng xem thể thao quá thi vị như ông Trịnh Cung ngày nào. Messi ghi bàn, đánh lừa thủ môn Abbiatti bằng cú sút vào góc ngược lại so với quả phạt đền đầu tiên.
Đó là bàn thứ 14 của Messi ở Champions League mùa này, đồng thời xô đổ nhiều kỷ lục và những con số thống kê vô tri vô giác.
Nhưng nếu chủ đích sút ra ngoài, Messi sẽ trở thành một vị thánh sống, một huyền thoại sống của thể thao chuyên nghiệp thế giới. Không vào bán kết lần này, Barca còn nhiều cơ hội khác. Không lập những kỷ lục bây giờ, Messi sẽ lập kỷ lục trong hai tuần nữa, hay ba tuần nữa, thậm chí là 52 tuần nữa cũng được. Nhưng cơ hội để xô ngã mọi rào cản, chinh phục mọi trái tim như vừa rồi thì chỉ đến một lần. Có lẽ, Pele hay Diego Maradona cũng chỉ được nhắc đến sau cái tên của anh “nếu điều đó xảy ra”.
Tiếc cho Messi là như vậy.
Lý Chánh
Bình luận (0)