Tiếc thay những tài năng nhí!

09/03/2009 14:47 GMT+7

Dù mới chỉ xuất hiện một lần trên màn ảnh song vai diễn của các em thật sự thành công, được giới chuyên môn và khán giả ghi nhận. Thế nhưng cơ hội được phát triển lại gần như không có, nhiều tài năng điện ảnh trẻ như thế lần lượt bị bỏ quên.

Mang đến một sức sống đặc biệt cho nhân vật ngay từ vai diễn đầu tiên, tên tuổi có thể được ghi nhận bằng những giải thưởng điện ảnh hoặc tạo dấu ấn với khán giả truyền hình nhưng những diễn viên có năng khiếu bẩm sinh này không còn cơ hội để trở thành diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Họ giống như những ngôi sao lóe sáng rồi biến mất.

Xuất hiện một lần rồi biến mất

Được trao giải Diễn viên trẻ triển vọng tại giải Cánh diều năm nay, nhưng diễn viên nhí Phạm Gia Hân của phim Cú và chim se sẻ đã khiến nhiều người phải băn khoăn về cơ hội trở lại của em trên màn ảnh rộng. Đỗ Lan Hà trước đây từng nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều 2007 (với vai diễn đầu tiên cho nhân vật Mai trong phim Trái tim bé bỏng) nhưng rồi suốt thời gian qua, Lan Hà đã trở về vị trí của mình là một sinh viên thanh nhạc, cô không có cơ hội nào để tái ngộ khán giả điện ảnh, kể cả phim truyền hình. 

 

Diễn viên Đõ Lan Hà. Ảnh: C.T.V

Nhiều người đến nay vẫn không quên nhân vật cậu bé An của Hùng Thuận trong phim Đất phương Nam (đạo diễn Vinh Sơn). Đến nay thì “bé An” cũng đã trưởng thành, nhưng khán giả không biết cậu bé có đôi mắt sáng, gần như là linh hồn cho bộ phim của ngày ấy giờ ở đâu, khi hoàn toàn không thấy Hùng Thuận xuất hiện trên phim ảnh. Diễn viên Phùng Ngọc trong vai thằng Cò của phim này, từng làm say đắm người xem về khả năng hóa thân của em vào nhân vật  trong phim, cũng là một trường hợp tương tự.

Mới đây, bộ phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vinh Sơn cũng có một gương mặt diễn viên nhí mới toanh của điện ảnh Việt: Bé Hiếu Anh trong vai cu Nhứt. Xuất hiện không nhiều nhưng cu Nhứt lại là nhân vật “sợi dây” nối kết bền chặt những mối quan hệ của các nhân vật trong phim. Diễn viên Hồng Ánh nói rằng diễn xuất quá tốt của bé Hiếu Anh phần nào giúp chị hóa thân trọn vẹn hơn vai Hạnh, vai diễn đã giúp cho Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim khối Á-Phi tại Liên hoan Phim quốc tế Dubai và Nữ diễn viên xuất sắc nhất giải Cánh diều 2008 của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Trong phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, diễn viên nhí Trần Thiên Tú với vai Ngô đã để lại một dấu ấn thật sâu đậm trong lòng khán giả, bởi tài năng diễn xuất sinh động, chân thật của em. Tú diễn tự nhiên và gây xúc cảm đến mức lấn át cả những vai chính trong phim. Tú sẽ khó có cơ hội trở thành một diễn viên chuyên nghiệp nếu em không được đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp, có kỹ năng hóa thân nhiều loại vai khác nhau.

Dù mới chỉ xuất hiện một lần trên màn ảnh nhưng vai diễn của các em thật sự thành công, rất được giới chuyên môn và khán giả ghi nhận, nhưng cơ hội để được phát triển năng khiếu này là gần như không có. Có rất nhiều tài năng điện ảnh trẻ như thế lần lượt bị bỏ quên.

“Vắt chanh bỏ vỏ”?

 

Diễn viên Hùng Thuận.Ảnh: TFS

Các đạo diễn luôn muốn tìm kiếm những gương mặt mới để có thể tạo nên một hiệu ứng khác cho phim. Và cứ mỗi đoàn làm phim ra đời đều có bộ phận casting để chọn diễn viên có gương mặt và lối diễn xuất thích hợp cho các nhân vật. Vì vậy, những gương mặt cũ cứ thế dần đi vào quên lãng.

Đạo diễn Vinh Sơn nói: “Tôi rất tiếc khi một diễn viên xuất sắc mà mình “đãi cát tìm vàng” rất khó khăn như Hùng Thuận đã không có cơ hội để phát triển khả năng diễn xuất. Cũng như những gương mặt trẻ sau này gần như không có cơ hội trở lại với phim ảnh”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Một diễn viên có thể rất thành công với vai diễn này nhưng chưa hẳn thích hợp với vai diễn khác. Như bé Phạm Gia Hân thể hiện rất tốt vai diễn trong phim Cú và chim se sẻ nhưng khi casting một vai trong bộ phim truyền hình tôi đang thực hiện Chuyện nhà tôi thì thật sự bé đã diễn chưa được. Rất khó đòi hỏi ở những diễn viên không chuyên một sự hóa thân hoàn hảo cho tất cả các loại vai”.

Đạo diễn Xuân Phước – từng được bạn bè, đồng nghiệp khen là “giỏi” khi tìm được 3 khuôn mặt mới khá hợp cho phim Nữ sinh -  cũng đồng quan điểm: “Cơ hội trở lại màn ảnh của các diễn viên không chuyên có thể nói là rất khó. Các em thể hiện vai diễn đầu tiên cũng hồn nhiên như chính cuộc sống ngoài đời của các em vậy. Nhưng nếu muốn thể hiện thành công nhiều dạng nhân vật, buộc lòng các diễn viên trẻ phải được đào tạo về diễn xuất”.

Điều đáng tiếc là lâu nay các trường đạo tạo nghệ thuật diễn xuất chuyên nghiệp, như đại học, cao đẳng nghệ thuật điện ảnh - sân khấu cấp quốc gia vẫn không có khoa, lớp tuyển sinh và đào tạo những năng khiếu diễn xuất bẩm sinh nhỏ tuổi như các nhạc viện hay trường múa. Một nền điện ảnh phát triển chuyên nghiệp không thể không bắt đầu từ chiến lược đào tạo con người. Tìm kiếm và đào tạo chuyên nghiệp cho những gương mặt trẻ triển vọng là cách mang đến một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp cho nền điện ảnh nước nhà sau này. Bỏ phí và để thui chột những tài năng diễn xuất nhỏ tuổi là lỗi của những người làm điện ảnh hôm nay.

Năng khiếu quý hơn vàng!

Điều không thể phủ nhận là thành công vang dội của bộ phim Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog millionaire) phần nào nhờ vào khả năng diễn xuất tài tình của các diễn viên, trong đó có Azharuddin Ismail và Rubina Ali, hai đứa bé được đoàn làm phim “phát hiện” ở khu ổ chuột Mumbai (Ấn Độ). Ngoài những giải thưởng, lời tán tụng, Azharuddin Ismail và Rubina Ali còn nhận được đề nghị làm việc với kinh đô điện ảnh Bollywood. Nền công nghiệp điện ảnh hiện đại thế giới hôm nay rất nhanh nhạy và đưa không ít tài năng trẻ thành những ngôi sao.

Mỗi năm, chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Child Actor Program ở Oakwood Toluca Hills (Los Angeles) nhận hàng ngàn trẻ em để đào tạo khả năng diễn xuất. Những buổi diễn thuyết về công nghiệp biểu diễn; các buổi học gặp gỡ diễn viên; tham quan hội chợ triển lãm gồm các băng hình ghi buổi diễn thử, ảnh chụp chân dung, đĩa mang nội dung chiến lược tiếp thị... là một trong những nội dung đào tạo các diễn viên nhí. Nổi tiếng không kém về việc săn và đào tạo sao nhí cho màn ảnh còn phải kể đến các kênh truyền hình (chủ yếu sản xuất phim thiếu nhi) như Nickelodeon, Disney Channel, The New Mickey Mouse Club, The Donna Reed Show, hay trường thiếu nhi chuyên nghiệp (Professional Children’s School), nơi chuyên đào tạo diễn viên trẻ cho điện ảnh-sân khấu ở Hollywood... có nhiều nhóm chuyên viên săn lùng tài năng thường xuyên đi khắp nước Mỹ để tìm ngôi sao trẻ đưa về đào tạo. Không bỏ sót tài năng trẻ chính là yếu tố nền tảng giúp công nghiệp điện ảnh Mỹ luôn phát triển ổn định. Tất nhiên, không phải tất cả những người được đào tạo đều có thể trở thành diễn viên giỏi, có khả năng diễn xuất tốt nhưng các khóa đào tạo diễn viên nhí này giữ vai trò quan trọng trong việc bổ sung diễn viên cho nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu thế giới Hollywood. Những diễn viên nổi tiếng hiện nay, như Jennifer Love Hewitt, Hilary Duff, Scarlett Johansson, Frankie Muni, Lindsey Lohan, Shirley Temple, Jake Gyllenhaal, Leonardo DiCaprio, Reese Witherspoon, Jena Malone, Anna Paquin, Dakota Fanning, Elizabeth Taylor, Miceky Rooney, Dustin Hoffman, Kirsten Dunst... xuất thân từ những khóa đào tạo sao nhí này.

Không chỉ ở hai nền kinh đô điện ảnh nổi tiếng thế giới là Hollywood và Bollywood mới có chiến lược đầu tư để tái sử dụng nguồn diễn viên. Ở Thái Lan có Trường Kantana Academy của Tập đoàn Điện ảnh và Truyền hình Kantana, đào tạo diễn xuất cho các diễn viên từ 5 đến 15, 16 tuổi. Sau khi được chọn lọc kỹ lưỡng và đào tạo bài bản, diễn viên nhí sẽ được nhận vai để thực hành. Ở Trung Quốc, việc phát hiện và phân loại năng khiếu từng lứa tuổi để đào tạo từ nhỏ cũng rất được coi trọng.

T.Vũ

Theo Tiểu Quyên / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.