Tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở ở Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
05/11/2020 05:44 GMT+7

Theo các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng điểm có nguy cơ sạt lở...

Ngày 4.11, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã nhận được báo cáo nhanh về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất mới đây tại thôn 1 (xã Trà Leng), khiến 9 người chết và 13 người còn mất tích từ Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên.

Tan hoang ở ngôi làng bị lũ kinh hoàng “xóa sổ” chỉ sau 2 phút

Trước đó, theo nội dung báo cáo, từ các kết quả nghiên cứu của chuyên gia và khảo sát thực địa tại hiện trường ngày 31.10, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên đưa ra đánh giá khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 30 - 45 độ, 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ ngày 6 - 22.10, mưa kéo dài, đất bị bão hòa hết và khi gặp trận mưa lớn ngày 27 - 28.10 (bão số 9) với gần 180 mm thì đất như một khối bùn lỏng, sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, tạo ra thảm họa sạt lở.

Phụ nữ, trẻ em cõng hàng cứu trợ trèo núi dựng đứng vì 3.000 người bị cô lập

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên cũng cung cấp thông tin hiện H.Nam Trà My còn có 15 điểm nguy cơ cao sạt trượt tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don... Ở H.Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ cao tập trung tại TT.Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Tại H.Phước Sơn còn khoảng 13 điểm nguy cơ cao tập trung tại TT.Khâm Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Thành, Phước Xuân... Riêng H.Tây Giang, có một điểm nguy cơ sạt trượt tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bhale...
Theo các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể.
Ông Lê Trí Thanh cho hay đây mới là ý kiến, kết quả ban đầu Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên, sau khi đi thực địa, khảo sát ở xã Trà Leng vào ngày 31.10. “Sau ngày 15.11, UBND tỉnh sẽ tiếp tục mời một số chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến Quảng Nam để đánh giá toàn bộ vụ sạt lở, nhằm đưa ra giải pháp tránh sạt lở cho khu vực này”, ông Thanh nói.
Song song với việc chỉ ra nguyên nhân ban đầu dẫn tới thảm họa sạt lở ở Trà Leng, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên cũng đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Về giải pháp trước mắt, địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao, di dời dân đến nơi an toàn. Về giải pháp lâu dài, cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000. Rà soát, quy hoạch, bố trí lại khu dân cư, cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao. Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý...

Tìm thấy thi thể bé gái mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.