Sau khi 12 công nhân ở thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo được cứu sống, việc điều tra nguyên nhân gây sập hầm được tiến hành khẩn trương thì câu hỏi làm thế nào để siết chặt quản lý cấp phép, giám sát thi công các công trình thủy điện cũng càng trở nên bức thiết.
Sự cố thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các dự án “quy mô rất nhỏ” - Ảnh: Độc Lập
|
Người phát ngôn của Bộ Công thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chiều hôm qua cho biết thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo là công trình nằm trong quy hoạch đã được duyệt. Nhưng đây là công trình quy mô nhỏ, do địa phương cấp phép cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng điện Long Hội làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công.
|
“Quy mô rất nhỏ”
Trả lời thông tin từ một số cơ quan chức năng khi kiểm tra hiện trường cho thấy có dấu hiệu bất ổn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng việc kiểm tra, điều tra nguyên nhân, những yếu kém trong việc tổ chức thi công không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công thương.
Một cán bộ có trách nhiệm khác của Bộ Công thương cũng cho rằng, Bộ đã rà soát lại quy hoạch, quá trình cấp phép và thấy rằng, việc cấp phép là đúng theo quy hoạch, “còn thi công có đúng kỹ thuật, đúng trình tự, đảm bảo an toàn hay không thì đang chờ báo cáo từ Bộ Xây dựng”.
Ông Đàm Xuân Hiệp, Tổng thư ký Hội Điện lực VN, cũng cho rằng thủy điện Đạ Dâng là dự án thủy điện có quy mô rất nhỏ, về lý thuyết không do Bộ Công thương quản lý. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra liên tiếp với nhiều nhà máy thủy điện nhỏ trong những năm gần đây, là cơ quan quản lý quy hoạch, Bộ Công thương cũng nên theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch đó. “Tôi cho rằng, các nhà máy thủy điện có quy mô rất nhỏ như thế này không đóng góp được bao nhiêu cho việc cung ứng điện của hệ thống nhưng sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường”, ông Hiệp nói.
Không ít công trình "có vấn đề”
Theo báo cáo của Bộ Công thương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27.11.2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, có thể thấy cho đến năm 2014, vẫn còn có không ít công trình, dự án thủy điện “có vấn đề”.
Kết quả rà soát quy hoạch các dự án thủy điện cả nước cho thấy, tính đến tháng 9.2014, Bộ Công thương đã cùng UBND các tỉnh tiếp tục loại khỏi quy hoạch 15 dự án thủy điện nhỏ. Với các dự án còn lại sau khi đã loại bỏ khỏi quy hoạch, UBND các tỉnh tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư 47 dự án đã quá hạn theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp nhưng không triển khai thực hiện và gia hạn có thời hạn đối với 13 dự án.
“Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, như tự điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến nhưng không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước; quá trình thi công không báo cáo tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định”, báo cáo của Bộ Công thương nhận định.
Đáng chú ý, về quản lý an toàn đập, theo Bộ Công thương, đến nay vẫn còn một số chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ, dưới 30 MW chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.
T.Ư Đoàn tuyên dương đội công binh cứu công nhân mắc kẹt
Ngày 21.12, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đã ký quyết định khen thưởng các đội cứu hộ đã giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm tại công trường thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Cụ thể, T.Ư Đoàn tặng bằng khen, tuyên dương 12 cán bộ, chiến sĩ công binh thuộc Tiểu đoàn 741, Lữ đoàn CB25 Quân khu 7; Tiểu đoàn 93 và Lữ đoàn 293, Binh chủng Công binh. Ngoài ra, T.Ư Đoàn cũng tặng bằng khen tuyên dương 26 công nhân ở Công ty xây dựng mỏ hầm lò 1, Công ty CP than Hà Lầm, Công ty than Hòn Gai, Công ty than Vàng Danh, Trung tâm cấp cứu mỏ, Công ty than Mông Dương đã có đóng góp tích cực trong công tác cứu hộ cứu nạn. |
Hồ sơ thiếu, nhiều lần sụt lún
Nguồn tin từ Sở Xây dựng và Sở Công thương Lâm Đồng cho biết trong tuần này, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ có cuộc họp để phân công trách nhiệm từng ngành tìm nguyên nhân sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Ngọc Lý, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng, cho rằng: “Năm nay, thời tiết Tây nguyên bất thường. Mọi năm, vào cuối tháng 10 là sang mùa khô, hết mưa nhưng năm nay, đến giữa tháng 12 mà vẫn mưa như trút nước. Có lẽ đơn vị thi công nghĩ rằng đã sang mùa khô nên đưa máy móc thiết bị, đào xúc vào hầm chăng? Trong điều kiện nền đất yếu như thế thì rất dễ gây sụt lún. Đã vậy, cấu tạo vùng núi này toàn đá mồ côi, hễ hổng chân một hòn là sập cả vỉa. Có lẽ bên giám sát cũng thiếu… giám sát. Vì nếu giám sát đúng chức năng thì khi thấy thời tiết không thuận lợi, ta cho dừng thi công thì đâu có xảy ra sự cố”. Cũng theo ông Lý, qua quan sát hiện trường bằng mắt thường, khung sắt phía trên có cảm giác không an toàn, phía dưới chân cũng thấy sạt lở rất nhiều, khi đi vào rất bất an. Phần thiết kế, theo ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, ban đầu đường hầm dẫn nước dài gần 2 km nhưng do địa chất yếu, không đủ an toàn nên chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế xây dựng rút ngắn xuống 700 m, còn lại làm kênh dẫn. Nhiều lần bị sụt đất Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thiết kế công trình này là Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc); đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP tư vấn Nhật Thăng - VNT6 (Hà Nội). Qua kiểm tra cho thấy công tác lưu trữ hồ sơ còn thiếu so với quy định, hồ sơ năng lực của đơn vị thiết kế thi công, giám sát cũng chưa đáp ứng. “Trước đây khi Công ty CP xây dựng ngầm Vinaconex thi công cũng đã nhiều lần bị sụt đất. Trước khi sự cố sập hầm xảy ra, Công ty CP Sông Đà 505 đã chống đỡ trần hầm bằng khung và vi thép nhưng không thể chống đỡ nổi với lượng đất, đá khổng lồ như vậy. Kiểm tra bằng mắt thường cũng thấy nền địa chất của hầm dẫn nước yếu. Các cơ quan chức năng đã từng cảnh báo và yêu cầu chủ đầu tư chú ý gia cố và xử lý theo đúng quy định để tránh xảy ra các sự cố, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, sự cố vẫn cứ xảy ra”, ông Yên cho biết. Tháng 4.2014, Sở Xây dựng Lâm Đồng phát hiện hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu theo quy định và đã yêu cầu đơn vị thi công lập kế hoạch huấn luyện, tổ chức huấn luyện an toàn lao động, tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Lâm Viên - Gia Bình |
Bình luận (0)