Gia đình chị Cẩm Ly (đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM) gồm 7 người ở trong nhà nên việc mua thực phẩm rất tốn kém trong khi thu nhập không có. Có ít vàng dự trữ, chị tính mang bán lấy tiền nhưng "nhà chuẩn bị hết tiền mua đồ ăn, có vàng mà chỉ biết "ngắm" chứ không biết bán cho ai"- chị than thở và trông cho thành phố hết giãn cách, tiệm vàng hoạt động trở lại để mang vàng đi bán trang trải cho chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Có vàng không thể bán, nghe tưởng chuyện đùa nhưng lại là sự thật. Ông Trương Cẩm Cường (chủ tiệm vàng tại Q.8, TP.HCM) cho biết hầu hết tiệm vàng đã đóng cửa tuân thủ việc phòng chống dịch Covid-19 từ khi thành phố triển khai các biện pháp giãn cách. Vì thế, dù nhu cầu bán vàng để trang trải cuộc sống khá cao nhưng các tiệm cũng đành bó tay, không thể đáp ứng. Theo ông Cường, trước đó, nhiều khách hàng thân thiết của tiệm năn nỉ bán lại nữ trang đã mua trước đó để mua thực phẩm, trị giá cũng chỉ 1 - 2 triệu đồng thế nhưng lượng tiền mặt mà tiệm dự trữ có giới hạn nên đành từ chối. "Có khách mang đến 1 lượng vàng loại nhẫn 4 số 9, tính ra cũng khoảng 50 triệu đồng, tiệm cũng không đủ tiền mặt để gom. Tiệm chỉ muốn giúp khách hàng quen có tiền đi chợ chứ cũng không mua bán gì thời điểm này."- vị này nói
Thực tế, từ nhiều tháng nay, các tiệm vàng quanh khu vực chợ Tân Định (Q.1), Bến Thành (Q.1), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cửa đóng then cài. Các đơn vị kinh doanh vàng có mạng lưới phủ khắp các tỉnh thành như PNJ, SJC, Doji cũng cho hay những tỉnh thành nào còn hoạt động thì mới duy trì cửa hàng, còn hầu hết đóng cửa để tuân thủ phòng chống dịch Covid-19. Trưa 4.9, chúng tôi điện thoại cho số tổng đài của hệ thống tiệm vàng Mi Hồng (Q.Bình Thạnh), hệ thống tiệm vàng lớn tại TPHCM nhưng không ai bắt máy. Đại diện Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay các cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa, trước đây công ty còn mở dịch vụ bán hàng online, còn nay cũng đã dừng. Do đó, người dân có nhu cầu bán vàng có thể chờ đến khi nào thành phố cho phép mở lại cửa hàng.
Bình luận (0)