(Tin Nóng) Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng tiêm kích MiG-21, cựu binh lừng danh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam vẫn còn bay và được thế giới kính trọng. Hiện Ấn Độ và Việt Nam là 2 nước có số lượng máy bay MiG-21 nhiều nhất thế giới, theo bài viết trên trang tin Russian Planet ngày 1.9.
Máy bay Mig 21 của Bắc Việt Nam, nỗi ám ảnh của phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Thuý Hằng
|
Việt Nam và Ấn Độ sở hữu MiG-21 nhiều nhất
Theo bài viết, tại Bảo tàng quốc gia hàng không và không gian lớn nhất thế giới ở thủ đô Washington (Mỹ), người ta trưng bày 2 chiếc máy bay chiến đấu cạnh nhau là F-4 Phantom của Mỹ và chiếc tiêm kích MiG-21 của Liên Xô. Cả hai đều là đối thủ của nhau trên bầu trời trong cuộc chiến tại Việt Nam và còn đối đầu hơn 2 thập niên sau.
Các phi công Mỹ và NATO từng nhận xét về MiG-21 là khẩu AK biết bay của Liên Xô, một nhận xét đầy kính trọng như với khẩu súng trường huyền thoại AK-47. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi đây là mẫu máy bay chiến đấu cánh delta đầu tiên của Liên Xô trở thành loại chiến đấu cơ phổ biến nhất trong lịch sử thế giới. Máy bay này có tốc độ tối đa 2.100 km/giờ, có thể bay cao đến 19 km, tầm hoạt động 1.500 km, mang 2 tên lửa và 2 pháo 30 mm.
Tổng cộng Liên Xô, Tiệp Khắc và Ấn Độ đã sản xuất hơn 11.500 chiếc MiG-21. Đó là chưa kể Trung Quốc sản xuất theo giấy phép của Liên Xô 2.500 chiếc với tên gọi là J-7 (bản xuất khẩu là F-7).
Trong khi đó máy bay đối thủ là F-4 Phantom của Mỹ chỉ sản xuất tổng cộng 5.195 chiếc.
MiG-21 do tập đoàn máy bay MiG của Liên Xô chế tạo, bay lần đầu vào ngày 9.1.1956, đến nay vẫn còn phục vụ trong không quân của 18 nước. Nước sở hữu MiG-21 nhiều nhất hiện nay là Ấn Độ với 264 chiếc, trong đó hơn 50% đã nâng cấp và còn bay đến năm 2019.
Nước có số lượng tiêm kích MiG-21 nhiều thứ hai thế giới hiện nay là Việt Nam, với 124 chiếc loại phiên bản cuối đang hoạt động.
Còn F-4 Phantom nay chỉ có 225 chiếc còn bay, trong đó ngoài Mỹ còn có Iran sở hữu loại tiêm kích đối thủ của MiG-21 này.
Đối đầu MiG-21 và F-4 trên bầu trời Bắc Việt Nam
F-4 và MiG-21 lần đầu tiên đối đầu nhau là trên bầu trời miền Bắc Việt Nam ngày 23.4.1966. Ba ngày sau, lần đầu tiên máy bay F-4 hạ được 1 MiG-21 bằng tên lửa. Tuy nhiên thành công này của F-4 sớm chấm dứt khi xuất hiện MiG-21F-13 và MiG-21PF (trang bị radar điều khiển bắn và thích hợp cho vùng nhiệt đới), khiến phi công Mỹ gánh nhiều thiệt hại.
MiG-21 tại Bảo tàng hàng không và không gian ở thủ đô Washington, trước mặt là F-4 và bên phải là F-105 - Ảnh: RP
|
Ban đầu phi công Bắc Việt Nam sử dụng MiG-17F của Liên Xô và một số MiG-15 của Trung Quốc, dùng tên lửa không đối không, súng máy và được radar mặt đất dẫn đường, tấn công F-4 ở độ cao thấp. Khi xuất hiện MiG-21 thì loại tiêm kích này có thể tấn công bắn hạ F-4 của Mỹ ở độ cao hơn hẳn cũng như tốc độ vượt trội.
Ngoài ra, kinh nghiệm của MiG-21 trên chiến trường Việt Nam cũng giúp các kỹ sư Liên Xô cải tiến tên lửa không đối không và gắn thêm pháo bắn nhanh cho loại máy bay này. Lý do là tên lửa không đối không S-5 của MiG-21 trung bình phóng đi 11 quả mới trúng 1,2 mục tiêu, dù phi công Mỹ rất sợ tên lửa này xuất hiện từ sau lưng mình. Còn pháo 30 mm trên MiG-21 hiếm khi bắn trúng mục tiêu.
Đến khi MiG-21 Việt Nam được trang bị tên lửa R-3S (còn gọi là K-13) thì đây là vũ khí ngang ngửa tên lửa AIM-9B Sidewinder của F-4, và cục diện không chiến đã thay đổi đáng kể.
Phi công Bắc Việt Nam cơ động ra máy bay MiG-21 chuẩn bị nghênh chiến máy bay Mỹ - Ảnh: super-arsenal.ru
|
Từ tháng 5 đến tháng 12.1966, Không quân Mỹ mất 47 máy bay trong các cuộc không chiến với Bắc Việt Nam trong khi phía Việt Nam chỉ mất 12 chiếc. Tất cả đều cho biết MiG-21 di chuyển và cơ động trên không tốt và nhanh nhẹn hơn F-4, điều này góp phần quyết định cho chiến thắng của MiG-21 trước F-4 dù có thua kém về radar và tên lửa.
Từ tháng 4.1965 đến tháng 11.1968, Bắc Việt Nam giành phần thắng trong các cuộc không chiến với không quân Mỹ. Trong 268 cuộc không chiến, Bắc Việt Nam bắn hạ 244 máy bay Mỹ và bị thiệt hại chỉ 85 chiếc. Trong số này có 27 chiếc F-4 và 20 chiếc MiG-21 bị bắn rơi.
Những năm sau đó cho đến năm 1972, năm cuối của cuộc chiến tranh của Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, trên bầu trời Bắc Việt Nam diễn ra 201 cuộc không chiến với kết quả 90 máy bay Mỹ bị bắn rơi và Việt Nam thiệt hại 54 chiếc. rong số này có 74 chiếc F-4 và 37 chiếc MiG-21. Chỉ trong năm 1972, MiG-21 đã hạ 67 máy bay Mỹ các loại.
Vì vậy mà phim ảnh của Mỹ về chiến tranh Việt Nam hầu như chẳng đả động đến các cuộc không chiến, cũng như chẳng tự hào về chiến thắng của không quân Mỹ trên bầu trời Bắc Việt Nam.
Đại tướng Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ xem một chiếc tiêm kích huấn luyện MiG-21 của sư đoàn Không quân 372 tại sân bay Đà Nẵng ngày 15.8.2014 trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
|
MiG-21 còn bay sau 60 năm
Năm 1973, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, đến năm 1975 chiến tranh Việt Nam chấm dứt, nước Việt Nam thống nhất với tên gọi Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên cuộc đối đầu MiG-21 và F-4 vẫn còn tiếp diễn. Tháng 10.1973, xảy ra cuộc chiến ở Trung Đông trong 18 ngày gọi là cuộc chiến Yom Kippur giữa Israel và Syria. Trong cuộc chiến này, tiêm kích MiG-21 của không quân Syria đã bắn rơi 105 máy bay F-4 và Mirage của Israel trong khi chỉ mất 57 chiếc.
Sau đó MiG-21 còn tham gia trong các cuộc chiến và xung đột ở Nam Tư, Iraq, châu Phi… Lúc cao điểm có đến 48 nước sử dụng MiG-21.
Buồng lái MiG-21 - Ảnh: Wikipedia
|
MiG-21 được nâng cấp nhiều lần, mang được 4 tên lửa thay vì 2 như ban đầu và đời cuối là MiG-21-93 (năm 2004). Ấn Độ đã nâng cấp 120 chiếc MiG-21 lên đời này, sẽ còn phục vụ đến năm 2019.
Và nay MiG-21 có vị trí xứng đáng trong Bảo tàng hàng không và không gian ở Washington, cho thấy người Mỹ công nhận đây là một trong các chiến đấu cơ thành công nhất thế giới. Đây cũng có thể gọi là biểu tượng vũ khí nổi tiếng của Liên Xô như khẩu súng AK, có thể giải quyết mọi vấn đề trong mọi điều kiện mà chỉ cần bàn tay khéo léo và cái đầu lạnh, theo Russian Planet. Và nay sau 60 năm, MiG-21 sẽ vẫn còn phục vụ chiến đấu hiệu quả.
Anh Sơn
>> Nga gợi ý bán tiêm kích MiG-35 cho Việt Nam thay thế MiG-21
>> Nga cung cấp tên lửa không đối không R-73E cho Việt Nam?
>> Hãng máy bay MiG khôi phục dự án tiêm kích tàng hình
>> Tiêm kích MiG-31 có thể bảo vệ nước Nga tới 100 năm
>> MiG-29 Ba Lan cất cánh thẳng đứng như Dreamliner của Vietnam Airlines
>> Liều mạng lái tiêm kích MiG-17 bay qua gầm cầu
>> Vũ khí Nga trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam
>> Giải mật sổ tay hướng dẫn phi công Mỹ đánh cắp máy bay MiG
>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?
Bình luận (0)