(Tin Nóng) Một tiêm kích J-15 dùng trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc bị mất điều khiển khi hạ cánh xuống một đường băng mô phỏng tàu sân bay trên bộ, phi công nhảy dù và bị thiệt mạng vào ngày 27.4. Đến 27.7, Trung Quốc mới đưa tin này.
Tiêm kích tàu sân bay J-15 của Trung Quốc - Ảnh: Wikimedia |
Báo Hong Kong Economic Times ngày 27.7 dẫn tin từ Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) cùng ngày đưa tin cho biết lúc 12 giờ 59 ngày 27.4, một tiêm kích J-15 Cá mập bay dùng trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi đang thực tập hạ cánh xuống một đường băng mô phỏng tàu sân bay trên đất liền thì hệ thống điều khiển máy bay bị mất kiểm soát, phi công phải nhảy dù và bị chấn thương, sau đó thiệt mạng.
Phi công này là chỉ huy của phi đội tàu sân bay Liêu Ninh, tên Zhang Chao, sinh năm 1986 ở Hồ Nam. Phi công này được cho là từng bay ngăn chặn “máy bay quân sự nước ngoài” trên Biển Đông gần Hoàng Sa.
Báo Hong Kong Economic Times cho biết thêm nhiều trang tin của Trung Quốc dẫn lại tin này của CNR, sau đó đều bị gỡ xuống.
Còn báo South China Morning Post của Hong Kong cùng ngày 27.7 nhận xét rằng vụ rơi J-15 là một đòn giáng vào việc phát triển loại máy bay này và khiến người ta nghi ngờ về thực lực chiến lược phát triển hải quân tầm cỡ đại dương xa cũng như chương trình tàu sân bay của Trung Quốc.
Su-33, tiêm kích tàu sân bay chủ lực của Liên Xô và Nga, là mẫu Trung Quốc phỏng theo để chế ra J-15 - Ảnh: Hải quân Nga |
J-15 là loại máy bay chủ lực trên tàu sân bay Liêu Ninh và cũng là máy bay sẽ trang bị cho các tàu sân bay tương lai của nước này. Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau nói với SCMP rằng tai nạn mới nhất này của J-15 cho thấy loại máy bay này chưa đạt tiêu chuẩn cao dành cho tàu sân bay.
“Cùng với các tai nạn trong những lần bay thử các máy bay Su-27 trong những năm 1980, lý do đằng sau vụ rơi J-15 có thể gồm hệ thống điều khiển bay bị trục trặc hoặc có vấn đề về chất lượng sản xuất”, theo ông Wong.
Tạp chí Kanwa Defence Review (Canada) hồi tháng 1.2016 cho biết việc phát triển J-15 theo yêu cầu của hải quân Trung Quốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu, khi hãng sản xuất là tập đoàn hàng không Thẩm Dương chỉ giao có 10 máy bay từ năm 2012 đến 2015.
Sự cố với J-15 khiến vài chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tác động Nga cung cấp loại Su-33 dùng trên tàu sân bay, là mẫu mà Trung Quốc phỏng theo để chế ra J-15. Tuy vậy chuyên gia Wong nhận định: “Hiện không có phương án thay thế, và Trung Quốc sẽ phải tiếp tục chương trình J-15”.
Trang tin Nga MilitaryParitet cho biết thêm J-15 được chế tạo dựa trên mẫu tiêm kích T-10K Trung Quốc mua được từ Ukraine.
Phi công Chao và một máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: HKET |
Đây là tai nạn thứ 3 liên quan máy bay J-15. Hồi tháng 9.2014, trang tin Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) cho biết trong bản tin phát ngày 27.8.2014 của China Daily có nêu 2 trường hợp phi công lái J-15 tử nạn khi thực tập cất và hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh. Bản tin này cho hay hai phi công này được truy tặng danh hiệu, nhưng không nói rõ hoàn cảnh tai nạn cũng như thời gian và địa điểm.
Chuyên gia hải quân Eric Wertheim nói với USNI News rằng hoạt động tàu sân bay là lĩnh vực đầy nguy hiểm, nhất là đối với những nước mới bắt đầu theo đuổi nó.
Bình luận (0)