Ngày 11.4, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa vụ án cố ý truyền máu nhiễm HIV cho cháu bé tại TP.Vũng Tàu và cưỡng đoạt tài sản tại TP.Bà Rịa ra xét xử.
Cáo trạng của Viện KSND cùng cấp chỉ truy tố hai bị cáo Lê Trung Linh (33 tuổi) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi) về tội cố ý truyền HIV cho người khác.
Riêng Thế bị truy tố thêm tội cưỡng đoạt tài sản. Chủ mưu trong vụ án này là Đào Thị Thu Thảo, nguyên Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Tổng công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BUSADCO). Bà Thảo không có mặt tại tòa... vì đang điều trị bệnh tâm thần lần hai.
tin liên quan
Thuê người tiêm máu nhiễm HIV vào con của tình địch: Chủ mưu đi chữa bệnh tâm thầnNghi ngờ kết quả giám định tâm thần trong vụ án 'thuê người tiêm máu nhiễm HIV vào một cháu bé', HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Tòa không tin hội đồng giám định
Theo cáo trạng, năm 2014, qua một số kênh thông tin, bà Thảo nghi ngờ người mình yêu là ông Hoàng Ðức Thảo, Tổng giám đốc Tổng công ty BUSADCO có quan hệ tình cảm với chị N.T.L, nhân viên dưới quyền và có với nhau một con chung.
Từ Hà Nội, bà Thảo đã liên hệ với Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng (trụ sở tại Q.12, TP.HCM) do Linh làm giám đốc để tổ chức theo dõi chị N.T.L. Sau đó, bà Thảo tiếp tục thuê công ty của Linh lấy mẫu tóc, móng tay của cháu bé mà Thảo nghi ngờ với giá 20 triệu đồng. Linh đã lấy được mẫu móng tay của cháu bé để đưa cho Thảo đi xét nghiệm ADN.
Sau nhiều lần bàn bạc, Thảo quyết định chọn phương án tàn độc nhất là lấy máu của người nhiễm HIV để truyền vào cơ thể cháu bé, nhằm gây đau đớn, dằn vặt lâu dài cho gia đình chị N.T.L, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của "tình địch". Nhận lệnh của bà Thảo, Linh rủ thêm bạn là Huỳnh Văn Thế (31 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng làm.
Khi phát hiện chân con trai bị chảy máu và nghi ngờ bị tiêm chích, chị L. đưa cháu tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe và tiêm thuốc chống phơi nhiễm HIV, đồng thời báo vụ việc cho công an.
Thế bị bắt sau đó do dùng thông tin có người muốn sát hại cháu bé để tiếp tục tống tiền gia đình chị N.T.L. Tháng 4.2016, sau khi bắt Thế và Linh, cơ quan công an đã bắt giam bà Thảo.
Tuy nhiên, đến tháng 6.2016, theo đề nghị của Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và của gia đình bà Thảo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Thảo. Ngày 3.8.2016, Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa có kết luận giám định pháp y tâm thần: "Ðào Thị Thu Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần; tại thời điểm gây án, đối tượng không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi". Chỉ một ngày sau (ngày 4.8), Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bà Thảo.
Tại phiên tòa ngày 11.4, HĐXX nhiều lần yêu cầu Hội đồng giám định của Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa cho biết quy trình và làm thế nào mà hội đồng xác định được đối tượng “Ðào Thị Thu Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần” cách thời điểm giám định nhiều năm. HĐXX cũng trưng dẫn nhiều tài liệu cho thấy, trước, trong và sau khi gây án, bà Thảo đã tham gia điều hành và tham dự nhiều sự kiện quan trọng. Thậm chí HĐXX còn đề nghị các cơ quan báo chí có mặt tại phiên tòa gửi “yêu cầu chất vấn” này đến Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phiên tòa đã phải tạm hoãn sau khi HĐXX nhận thấy có rất nhiều mâu thuẫn cần làm sáng tỏ về kết quả giám định của Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa đối với chủ mưu vụ án.
Bà Thảo có thật sự tâm thần?
Trả lời các câu hỏi của HĐXX liên quan đến bà Thảo, đại diện người bị hại là chị N.T.L cho rằng từ trước đến nay, bà Thảo không có các biểu hiện tâm thần. Đây cũng là nhận định của rất nhiều người đã có thời gian làm việc và tiếp xúc với bà Thảo.
|
Điều đáng nói, chỉ 3 ngày sau khi có quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc vào ngày 28.9.2016, thì chủ nhật ngày 2.10.2016, bà Thảo đã có đơn xin trở lại làm việc tại công ty.
Thật bất ngờ, chưa đầy 4 ngày sau, ngày 6.10.2016, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BUSADCO Hoàng Đức Thảo ban hành quyết định tái bổ nhiệm bà Thảo làm Giám đốc chi nhánh miền Bắc của BUSADCO.
Trong khi đó, theo hồ sơ bệnh án của bà Thảo tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 thì “phải đến ngày 29.11, đối tượng mới không còn rối loạn, trầm cảm, âu lo (hết bệnh)”. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Hoàng Đức Thảo đã bổ nhiệm một người mắc bệnh tâm thần vào vị trí đứng đầu, lãnh đạo, điều hành cả một chi nhánh miền Bắc, với rất nhiều nhà máy trải dài từ Hà Nội đến Thái Bình, Vĩnh Phúc trong suốt gần hai tháng (từ ngày 6.10 đến 29.11.2016).
Việc bà Thảo có bị bệnh tâm thần thật sự hay không cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Bình luận (0)