Ngày 9.5, chuyên trang Business Wire dẫn “Nghiên cứu thị trường chuyên cơ toàn cầu”, do Công ty nghiên cứu Research and Markets công bố, cho thấy thị trường này đang tăng trưởng mạnh.
Sôi động Châu Á - Thái Bình Dương
Theo báo cáo trên, thị trường chuyên cơ toàn cầu dự định đạt mức 33,8 tỉ USD vào năm 2020, trong khi con số này vào năm 2013 chỉ 20,9 tỉ USD. Đến năm 2025, số lượng chuyên cơ tiêu thụ hằng năm có thể đạt hơn 9.000 chiếc. Trong đó, thị trường các nước Ả Rập và khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tờ The Bangkok Post hồi tháng 4 dẫn báo cáo từ Công ty Global Jet Capital khẳng định thị trường chuyên cơ châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng trưởng 51% so với 5 năm trước đó. Cụ thể, số chuyên cơ cỡ trung đến cỡ lớn mua mới (có giá bán từ 25 - 75 triệu USD) tại khu vực này từ năm 2011 - 2015 là 386 chiếc, trong khi từ 2006 - 2010 là 255 chiếc.
Xu hướng mới
Song hành cùng sự bùng nổ về số lượng chuyên cơ bán toàn cầu là dịch vụ “sharing economy” (kinh tế chia sẻ) để những người có chuyên cơ sử dụng mục đích cá nhân sẽ thông qua dịch vụ để cho thuê khi không dùng đến. Phân tích về thị trường này, Hãng tin DNS ngày 9.5 đăng bài nhận định việc thuê bao hay “chia sẻ” chuyên cơ đang đe dọa các dịch vụ hàng không truyền thống ở phân khúc ghế hạng thương gia, ghế hạng nhất. Theo đó, thuê nguyên chuyến hay “chia sẻ” chuyên cơ không chỉ ngang ngửa, thậm chí thấp hơn vé máy bay hạng cao cấp, mà còn có nhiều tiện ích hơn về giờ giấc bay, điểm đến dễ dàng theo ý muốn. Tương tự, ngày 26.4, Bloomberg cũng đánh giá thị trường chia sẻ chuyên cơ sẽ phát triển mạnh khi số lượng chuyên cơ ngày càng nhiều, khiến công suất dôi dư của số chuyên cơ cá nhân ngày càng lớn.
Chính vì thế, thời gian gần đây, hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyên cơ đang mở rộng quy mô phát triển. Giữa năm 2015, Uber bắt đầu phát triển dịch vụ cung cấp chuyên cơ, theo cách thức hãng này đã làm với ngành taxi. Cụ thể, vào tháng 4.2015, Uber công bố cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay trực thăng ở Thượng Hải (Trung Quốc). Tại Mỹ, Uber cũng đã phát triển dịch vụ tương tự ở một số bang.
Không riêng gì Uber, mà còn có thêm một số tên tuổi khác như JetSmarter cũng đã cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyên cơ ở nhiều phân khúc tại châu Âu và đang không ngừng mở rộng khu vực hoạt động. Tương tự, dịch vụ BlackJet cũng đang phát triển ở Mỹ để giúp nhiều người thuê chuyên cơ, thay vì mua máy bay riêng hay trả phí cao cho các loại ghế hạng thương gia, hạng nhất.
|
Tận dụng chuyên cơ
Tờ The Telegraph dẫn lời ông Sergey Petrossov, Tổng giám đốc JetSmarter, phân tích: Các chuyên cơ thông thường chỉ bay trung bình chưa đến 300 giờ mỗi năm. Trong khi đó, để khai thác hiệu quả về mặt kinh tế thì số giờ bay mỗi năm phải đạt 1.200. Bên cạnh đó, công ty dịch vụ vận hành, khai thác, bảo trì, cho thuê bến bãi cho nhiều chuyên cơ cũng sẽ giúp tiết giảm chi phí. Kết hợp 2 yếu tố trên, các công ty khai thác vận hành có thể tạo ra giá cả dịch vụ “chia sẻ” chuyên cơ cạnh tranh với hàng không thông thường.
Tại VN, giới “đại gia” từ vài năm trước đã sở hữu chuyên cơ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng tậu các máy bay hạng nhẹ. Ví dụ, Công ty Hành tinh xanh nhập 4 máy bay gồm 2 chiếc dạng cánh bằng thuộc dòng ATEC - 321 Faeta của Hãng ATEC (CH Czech) và 2 chiếc trực thăng Roway - A600 Talon của Mỹ. Hãng hàng không Hải Âu đã nhập về 3 chiếc thủy phi cơ trị giá hàng triệu USD. Theo một số thông tin, Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air cũng dự định mua chuyên cơ. Bên cạnh đó, Globaltrans Air đang phát triển dịch vụ vận hành, khai thác, cho thuê phi công, cho thuê bến bãi, bảo trì... máy bay. Chính vì thế, thị trường chia sẻ chuyên cơ VN có thể sẽ sớm hình thành, trước khi các “đại gia” nước ngoài như Uber, JetSmarter, BlackJet “đổ bộ” vào VN.
Bình luận (0)