Nói đến tiềm năng vận tải thủy nội địa, quốc tế của VN, có lẽ những người trong ngành này "thuộc làu": Rằng chúng ta có bờ biển kéo dài, sông ngòi phân bổ khắp nơi, rất thuận lợi phát triển vận tải đường thủy, nội địa cũng như quốc tế. Những năm gần đây, chúng ta có thêm các cảng lớn, đón được siêu tàu này, siêu tàu kia. Thế nhưng cũng bao năm nay, mọi hoạt động vận tải vẫn đổ hầu hết lên đường bộ dù chi phí cao, quá tải và rủi ro tai nạn gia tăng. Ở tuyến quốc tế, các hãng tàu lớn vẫn chèn ép hàng xuất khẩu Việt bằng đủ các loại phí, giá nhưng chúng ta đành bất lực. Nghịch lý này lâu lâu lại mang ra bàn thảo, lại nuối tiếc những lợi thế chưa được khai phá.... rồi lại đóng vào, hoặc có chút cải thiện nhưng không đáng kể. Đó cũng là trăn trở của Bộ trưởng Bộ GTVT trong hội nghị tổ chức mới đây tại TP.HCM. Câu hỏi đặt ra là, vận tải đường thủy, đường biển nội địa, vì đâu nên nỗi?
Để trả lời câu hỏi này, hãy nghe các vấn đề doanh nghiệp đặt ra và kiến nghị trong hội nghị cuối tuần qua và nhiều lần trước đó. Có nhiều nút thắt nhưng nổi cộm lên vẫn là vốn. Đầu tư đội tàu, cảng, khơi thông luồng lạch..., mọi cái liên quan đến vận tải đường thủy đều đòi hỏi vốn lớn, chính sách ưu đãi đủ để hấp dẫn doanh nghiệp tư nhân tham gia. Thế nhưng bao năm qua, chúng ta đầu tư cho đường thủy rất khiêm tốn so với tiềm năng, so với các nước, và đặc biệt so với đường bộ. Số liệu của Cục Đường thủy nội địa cho biết mức đầu tư kết cấu hạ tầng vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm khoảng 2% tổng mức đầu tư toàn ngành GTVT trong giai đoạn 2001 - 2020. Một số địa phương thậm chí chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa. Phải nói thẳng là với mức đầu tư khiêm tốn như thế này, chúng ta không nên và cũng không thể đòi hỏi vận tải đường thủy phải vươn vai thành người khổng lồ để tương xứng với tiềm năng và lợi thế được.
Trên thực tế, không phải là ngành GTVT không biết điều này. Tại nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề phát triển đường thủy, giảm chi phí logistics cũng được các đại biểu đặt ra chất vấn. Nhưng trong khi đường bộ liên tục tăng tốc với việc khởi công, mở rộng, nâng cấp, triển khai các dự án thì đường thủy vẫn phải xếp sau. Có lẽ bởi nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp nên tâm lý đầu tư là cái gì đáp ứng ngay và nhanh thì ưu tiên làm trước, và đó chính là đường bộ. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc liệu cơm gắp mắm là có thể hiểu được, trong một giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, để sự lệch pha này kéo dài quá lâu thì hoàn toàn không ổn. Nhất là trong khi chúng ta đều biết nếu đầu tư bài bản cho giao thông đường thủy nội địa sẽ thu về lợi ích kép. Đó là giá thành rẻ, nhưng tải trọng lớn và độ an toàn vận chuyển bằng đường thủy nội địa rất cao. Chúng ta đã và đang dùng vốn ngân sách làm vốn mồi cho các dự án đường bộ, hoàn toàn có thể áp dụng cho đường thủy. Thiếu vốn thì tăng ưu đãi để kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển vận tải đường thủy, chứ không thể cứ để tiềm năng lưu cữu trong khi độ cạnh tranh của môi trường kinh doanh, của hàng hóa bị kéo giảm vì chi phí logistics cao.
Tiềm năng vận tải thủy, có lẽ cần một sự quyết liệt, dám nghĩ dám làm để đánh thức.
Bình luận (0)