Theo thống kê, từ đầu tháng 5 đến tháng 7.2021, Trung tâm bệnh viện Nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản (VNNB) và khoảng 70% số trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề của căn bệnh.
Số liệu không thể nói dối và tình trạng ca bệnh VNNB gia tăng trong nước một lần nữa nhắc nhở phụ huynh về sự cẩn trọng và không thể xem thường việc phòng chống bệnh cho con sớm nhất có thể. Và tiêm chủng vắc-xin đúng và đủ liều là cách tốt nhất để xây dựng phòng tuyến bảo vệ sức khỏe và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này.
Khi phụ huynh quên lịch tiêm nhắc
“Còn gì đau lòng hơn khi thấy con đeo mặt nạ ô xy và nằm trong căn phòng bệnh lạnh lẽo. Khi mà lẽ ra giờ này con phải được ở nhà chuẩn bị cho kỳ học mới, nôn nao vì sách vở và trường lớp.” - một vị phụ huynh có con đang điều trị bệnh VNNB chia sẻ.
Với người làm cha mẹ, tình cảnh cũng chẳng tốt hơn là bao, không còn những nụ cười hạnh phúc thường ngày khi trò chuyện cùng con. Đó là nỗi đau khi đối diện với sự thật rằng con mình có thể chịu di chứng não nặng nề và không thể sống cuộc đời khỏe mạnh, vui cười như bao đứa trẻ khác đồng trang lứa.
Ảnh minh họa |
Shutterstock |
Tất cả những kịch bản xấu kể trên có lẽ sẽ không diễn ra nếu cha mẹ nhận thức được sớm hơn sự cần thiết của tiêm chủng đủ liều vắc-xin và quan trọng hơn hết là tiêm nhắc vắc-xin VNNB theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bởi bên cạnh các yếu tố như sức đề kháng yếu kém, môi trường sống thiếu vệ sinh, chưa tiêm phòng thì quên tiêm nhắc cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ mắc bệnh VNNB ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng sau đại dịch Covid-19.
Vai trò quan trọng của mũi tiêm nhắc
Hiện nay, VNNB là căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng như hạ sốt, chống phù não, cắt cơn co giật, ổn định hô hấp tuần hoàn…
Tuy nhiên, đây là bệnh gây tình trạng viêm bên trong não nên khi đã mắc và phát thành bệnh thì thường điều trị rất khó và có thể để lại di chứng thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai con trẻ. Con không thể đến trường, học tập và khám phá thế giới vì những di chứng nặng nề liên quan đến thần kinh, giảm khả năng giao tiếp, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hoặc mất chức năng vận động, thậm chí có trẻ phải mở nội khí quản do khó thở.
Chỉ có tiêm chủng vắc-xin VNNB mới là phương án hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh tốt hơn. Sau các mũi tiêm cơ bản thì kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian do đó việc tiêm nhắc lại sẽ giúp tăng cường kháng thể phòng bệnh để bảo vệ cho trẻ.
Hình minh họa |
Shutterstock |
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh 3 mũi tiêm cơ bản bắt buộc của vắc-xin bất hoạt điều chế từ não chuột trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thì các mũi nhắc sau đó mỗi 3 năm 1 lần có ý nghĩa đặc biệt trong việc giúp cung cấp kịp thời kháng thể, bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ toàn diện.Với trẻ tiêm tại các điểm tiêm dịch vụ thì có thể tiêm vắc-xin thế hệ mới với ít liều nhắc hơn. Dù tiêm vắc-xin gì thì tuân thủ các mũi tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y Tế và hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất đều rất quan trọng để trẻ có đủ miễn dịch phòng bệnh.
Để hiểu rõ hơn về các loại vắc-xin đang lưu hành, tốt nhất các bậc phụ huynh có con trên 5 tuổi nên hỏi thăm ý kiến bác sĩ trước khi chọn loại vắc-xin phù hợp giúp trẻ có miễn dịch lâu dài.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhất là vào những tháng mùa hè, thời tiết oi bức.
Đặc biệt, nếu thấy trẻ sốt, đau đầu, buồn nôn, co giật, mệt mỏi và ớn lạnh thì cha mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời tránh để lại biến chứng, di chứng não nặng nề cho trẻ.
Nội dung này nằm trong chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, được phối hợp thực hiện bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và công ty Sanofi Việt Nam.
Bình luận (0)