Tiệm nước người Hoa ở Q.5: Đồng giá 10 ngàn, nửa thế kỷ ở yên một chỗ

25/04/2022 12:15 GMT+7

Đã 70 tuổi, ông Tăng vẫn ngày ngày đứng sạp nước, vừa là kế sinh nhai vừa là thú vui tuổi già.

Những ai thường đi ngang chợ Phùng Hưng (Q.5, TP.HCM) thì có lẽ không lạ gì tiệm bán nước ngọt, nước sâm của vợ chồng ông Lâm Tăng (70 tuổi, hay gọi là chú Long). Cái sạp nhỏ xíu, chật hẹp với đủ loại nước là ký ức tuổi thơ của biết bao người.

Khách hàng ghé sạp không chỉ vì rẻ mà còn vì nụ cười phúc hậu của ông chủ.

Gia Thanh

Gần 50 năm ở yên một chỗ

Tôi đến sạp lúc gần trưa. Tầm này là ca của chú Long còn vợ chú (65 tuổi, cũng người Hoa) và cháu nội ở nhà lo cơm nước giấc trưa. Lúc đầu, tôi nhìn chú nghĩ có vẻ khó tính nhưng vào bắt chuyện lại nhận được nụ cười dễ mến và phúc hậu của người đàn ông đã 70 này.

Chú Long là người Tiều, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Ngày trẻ, chú cũng kinh doanh đủ thứ. Cuộc sống vì thế cũng có chút dư dả. Chú sắm nhà, mua đất ở Q.8 và H.Bình Chánh. Nhưng rồi biến cố lần lượt đến, chú quyết định về lại khu Phùng Hưng (Q.5) này sống. Bán hết nhà cửa, đất đai mới mua được căn chung cư ở nội thành, ông bà và cháu nội nương tựa nhau đến bây giờ.

Những chai nước ngọt thủy tinh “hiếm có khó tìm” tại tiệm chú Long

Gia Thanh

“Tôi mở quán nước này tầm sau ngày giải phóng, chắc năm 80. Từ đó đến giờ chỉ duy nhất chỗ này, không dời đi đâu. Ngày qua tháng lại cũng đã gần 50 năm rồi. Trước, tôi chỉ bán nước sâm, nước đắng, cà phê… Sau này, nước ngọt ra thì mới bán thêm vì không cần phải nấu, công ty giao xuống là bán thôi”, chú Long chia sẻ.

Tiệm mở bán từ 5 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, lễ tết không nghỉ. Khách đông nhất là vào buổi sáng, chủ yếu là học sinh. Người trẻ đa phần uống nước ngọt, còn khách lớn tuổi thì quen vị nước sâm bông cúc và nước đắng của tiệm.

Là người không hảo nước ngọt đóng chai, tôi kêu một ly sâm bông cúc uống thử. Nước sâm mát lạnh, ngọt ngọt và thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của hoa cúc. Giữa cái tiết trời oi bức của Sài Gòn, giải khát bằng ly nước sâm thanh mát như thế này quả không gì bằng. Trong thời gian tôi ngồi lại với chú , khách đi đường ghé lại cũng vài người. Đa số giống tôi, thèm một thứ nước mát lạnh khi phải chạy ngoài đường giữa trời nắng.

Ông chủ cho rằng nước trong chai nhựa để nắng sẽ ảnh hưởng đến mùi vị nên ông bán chai thủy tinh dù vất vả hơn

Gia Thanh

Đồng giá 10 ngàn

Các loại nước ngọt, nước sâm đều đồng giá 10 ngàn đồng. Chú Long cho biết đã bán giá này từ lâu. Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động nên chú giữ giá.

“Mình bán giá phải chăng và đàng hoàng nên đông khách lắm, cũng mấy chục năm rồi. Một ngày, mình kiếm 2 người khách thôi thì một tháng được 60 người rồi. Mà tôi đây đã bán cả mấy chục năm nên khách quen nhiều lắm. Có mấy đứa nhỏ đi du học, lập gia đình rồi về nước cũng ghé mua mà”, chú Long cười nói.

Điểm đặc biệt của tiệm là những chai nước ngọt thủy tinh, thường được gọi vui là dạng “hiếm có khó tìm” và mang dấu ấn tuổi thơ. Ngày trước, tôi mê mẩn các loại nước ngọt thế này.

Gần 50 năm, quán nước chú Long trở thành cái tên quen thuộc của biết bao thế hệ học sinh

Gia Thanh

Chia sẻ về điều này, chú Long nói: “Ở đây tôi chuyên trị chai miểng (thủy tinh) chứ nhựa và lon thì không bán. Chai nhựa mà để trời nắng thì mùi nhựa ám vào nước vậy sẽ không ngon nữa. Lon thuộc hàng cao cấp rồi, mình bán bình dân mà có 10 ngàn một ly. Học sinh được cho có 20 ngàn, kiếm ổ bánh mì với ly nước là hết rồi. Mình bán vậy lời từng chai thì ít, trung bình là 1.000 - 2.000 đồng/chai, nhờ khách đông bù lại”.

Công việc bán nước với chú Long không quá vất vả, vừa là kế sinh nhai vừa là thú vui tuổi già. Hai vợ chồng sớm tối bên nhau. Đứa con trai duy nhất của ông bà không may qua đời vì tai nạn giao thông để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi năm đó. Ông bà nội một lần nữa lại làm cha, làm mẹ.

Dù là già hay trẻ cũng thích tiệm nước nhỏ này vì giá rẻ
Gia Thanh

“Hôm đó, hai vợ chồng đi chúc tết rồi bị đụng xe. Cả hai đứa nó ra đi đến giờ cũng gần 20 năm rồi. Nuôi cháu cũng vất vả nhưng rồi cũng quen, có nó hú hí tuổi già. Hôm đó, may mà vợ chồng nó không bế con theo, chứ không là đi cả nhà rồi”, chú Long kể lại.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông không mong gì ngoài sức khoẻ. Cuộc sống hiện tại tuy không giàu có nhưng ổn định và bình an. Nụ cười của chú đã thể hiện rõ điều ấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.