Tiễn biệt 'thi sĩ Quận chúa' Tôn Nữ Hỷ Khương

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
25/12/2021 06:51 GMT+7

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là vào ngày 1.7.1998 tại chùa Tôn Thạnh (H.Cần Giuộc, Long An), khi chùa tổ chức lễ đón bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia nhân kỷ niệm 176 năm ngày sinh cụ Đồ Chiểu (cụ Nguyễn Đình Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tại ngôi chùa này - NV).

Tại hậu liêu của chùa, tôi gặp nhà thơ Song Nguyên (vốn rất thân) đang ngồi trò chuyện với một thiếu phụ dáng dấp quý phái. Anh giới thiệu: “Nhà thơ Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương”. Vậy là đã 23 năm chúng tôi quen biết và trở nên thân thiết với nhau...

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và Giáo sư Trần Văn Khê

H.Đ.N

Chị ít nói về mình, nhưng qua anh Song Nguyên, tôi mới biết chị là cháu 4 đời của vua Minh Mạng. Tuy Lý vương Miên Trinh sinh ra cụ Hồng Thiết, rồi cụ Hồng Thiết sinh ra 2 anh em Ưng Bình (cha của chị Hỷ Khương) và Ưng An (nhạc phụ của anh Song Nguyên). Nên mỗi lần gặp, tôi vẫn gọi Hỷ Khương là “Quận chúa”.

Cụ Ưng Bình hiệu là Thúc Giạ Thị, từng nổi danh là “thi bá đất Thần kinh”, cụ có bài thơ ngắn Trước bến Vân Lâu - phổ biến đến nỗi nhiều người còn tưởng là ca dao. Đến 60 tuổi, cụ Ưng Bình mới có cô con gái út Hỷ Khương, cụ cưng quá, đem tất cả tâm huyết truyền dạy cho con, từ lúc còn lẫm chẫm cho tới thời con gái (cụ mất năm 1961, thọ 84 tuổi - lúc đó Hỷ Khương 24 tuổi). Có thể nói, hai cha con hủ hỉ với nhau như đôi bạn tri âm tri kỷ, nhất là khi cùng nhau bàn luận văn chương. Sau này, Hỷ Khương gia nhập nhóm thơ Quỳnh Dao do nữ sĩ Mộng Tuyết (vợ nhà thơ Đông Hồ) chủ súy.

Hỷ Khương làm thơ và đều đặn ra mắt công chúng các tập thơ: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004) và hồi ký Hồi ức cha tôi (1996, tái bản 2002), Khúc tri âm (2010)... Thơ của chị hiền lành, thể hiện cái tâm của con nhà Phật với triết lý “dĩ hòa vi quý”...

Một “thi sĩ Quận chúa” như chị thì việc kết nghĩa với những tao nhân mặc khách là điều dễ hiểu. Trong số họ, tôi đặc biệt ngưỡng mộ nữ sĩ Mộng Tuyết và GS Trần Văn Khê. Mỗi năm vào ngày sinh nhật của chị, tôi hân hạnh được chị mời đến căn nhà nằm trong hẻm bên hông chợ Phú Nhuận (TP.HCM), họp mặt với những văn nghệ sĩ và bạn bè gốc Huế: GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nhà thơ Phanxipăng, nhà thơ Trương Nam Hương... Những lần họp mặt như thế, người làm cầu nối để không khí thêm vui nhộn chính là anh Trần Bá Thùy (chồng chị Hỷ Khương). Sau này, anh Thùy là một trong 3 người được GS Trần Văn Khê ủy thác đứng ra lo tang sự cho chính mình.

Hôm nay, được tin chị - “thi sĩ Quận chúa” cuối cùng của một vương triều, đã cưỡi hạc bay xa ở tuổi 84, đứa em thân thiết này vừa thắp nén nhang vừa chợt nhớ đến câu thơ rất nhẹ của một nữ thi sĩ đã “ngộ” về kiếp người:

“Một cơn gió nhẹ thoảng qua/Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời/Để kết thúc một kiếp người/Mong manh như hạt sương rơi đầu cành! (Hãy cho nhau - Tôn Nữ Hỷ Khương).

Tang lễ nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tổ chức tại tư gia 339/10 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 17 giờ ngày 24.12, hỏa táng 8 giờ sáng chủ nhật 26.12.2021.

Chị đi, thanh thản chị nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.