Họ hoàn toàn hiểu rằng, câu tục ngữ "Chồng là cái đó, vợ là cái om" chỉ phù hợp với thời xa xưa. Vợ chồng hiện đại đã ý thức được rằng không nên "ôm" hết cái khổ vào mình mà cần chia sẻ cho người bạn đời để hưởng thụ cuộc sống tốt hơn. Văn hóa sử dụng tiền giữa Á và Âu dần dần cũng không còn khác biệt mấy.
Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài Tiền chồng, tiền vợ quản thế nào để độc giả có cái nhìn đa diện về sự tương tác của các cặp vợ chồng hiện đại.
Làm cùng công ty, sau khi kết hôn, nhiều đồng nghiệp nam vẫn trêu vợ chồng chị Ngô Bảo Minh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) là “tội nghiệp thằng Nam, từ nay không biết đến lương là gì” hay “nó còn không có đến cả cơ hội lãnh lương nữa chứ”.
Chồng lo chi, vợ lo “của để dành”
Cũng lấy vợ cùng cơ quan, nhiều anh còn tự đem mình ra dẫn chứng: “Lấy vợ chung cơ quan, vợ cầm luôn thẻ ATM, tất tần tật các khoản tiền khi vừa có là vợ lãnh hết. Thu nhập là gì ư? Chỉ là giấc mơ xa xôi của ngày chưa có vợ”.
Bị trêu là vậy, chứ thực tế, mọi người không biết rằng, chồng chị vẫn vô tư giữ thẻ ATM của mình. Chị thậm chí còn không hỏi, biết mật khẩu ATM của chồng.
“Chồng tôi không phải đau khổ vì bị “mất đứt” thẻ ATM, tài khoản ngân hàng, tiền lương vào tay vợ. Tôi thì không phải mệt mỏi nhăn nhó, cau mày tính toán chuyện chi tiêu gia đình. Thế nên cả hai cùng hạnh phúc”, chị Minh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ. Khác với nhiều gia đình, chồng chị là người “nắm tay hòm chìa khóa”.
Ngay từ trước đám cưới, vợ chồng chị Minh đã thảo luận và thống nhất với nhau về việc phân công giữ tiền và chi tiêu trong nhà. Theo đó, chồng là người chịu trách nhiệm tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày. Thu nhập của chị là khoản để dành. Các khoản tiền thưởng khác sẽ được gom chung “bỏ heo” để chi tiêu hiếu hỉ, quà cáp, các khoản phát sinh.
Ngay từ trước đám cưới, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chung về tiền bạc và cả hai rất hài lòng
|
Đừng nghĩ giữ hết tiền nhà là sướng
Tuy nhiên, theo chị Minh, việc phân công ai giữ tiền nhà hay “góp vốn” trong tài khoản gia đình thế nào “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tùy theo tính cách và thu nhập của từng nhà.
“Như ba tôi có tật là không giữ được tiền. Cũng từ nhà ra phố nhưng ông có trong túi 50.000 đồng thì sau khi đi một vòng về sẽ hết 50.000 đồng; có 200.000 đồng thì sẽ hết 200.000 đồng. Thế nên, có thể dễ hiểu tại sao mẹ phải là người giữ tiền”, chị Minh nói.
“Như ba mẹ tôi, suốt 40 năm nay, mẹ là người “tay hòm chìa khóa”. Thu nhập bao nhiêu ba đều giao hết cho mẹ, cùng với đó là trách nhiệm chi tiêu, đủ thiếu ra sao. Ba chẳng bao giờ hỏi tiền được xài như thế nào, còn hay hết, đủ hay thiếu”.
Theo chị Minh, như thế là cái gánh nặng “chau mày, nhức đầu” tính toán tiền nong đều do mẹ gánh. Suốt mấy chục năm qua, mẹ đều là người lo chạy vạy vay mượn khi nhà thiếu tiền, để dành khi tiền ba đưa về dư dả: thiếu mẹ lo, dư mẹ giữ.
Mặc dù không giữ tiền nhưng chị biết rõ thu nhập của chồng ra sao, tính cách tiêu xài của chồng thế nào, chi tiêu trong nhà mỗi tháng bao nhiêu là đủ, là thiếu. Đặc biệt, vợ chồng chị luôn thống nhất với nhau về các khoản chi, để dành. Thế nên, điều quan trọng không phải phân công ai giữ tiền mà là các khoản thu nhập của gia đình, chi tiêu được quản lý, sử dụng ra sao; hai vợ chồng phải cùng san sẻ với nhau nhiệm vụ tính toán, cân đối chi tiêu trong gia đình.
“Đôi lúc phụ nữ nên bỏ bớt gánh nặng cho mình mà chuyển sang cho đàn ông. Để cho đàn ông biết giữ tiền không sướng. Để chồng giữ tiền cũng là một cách “dạy” cho đàn ông biết lo, quan tâm đến đời sống gia đình, “tự lập” trong quản lý tài chính, chi tiêu và hiểu được nỗi vất vả của phụ nữ khi phải cân đối, đánh vật với “cơm áo gạo tiền”, đủ thiếu trong nhà”, chị Minh nói.
Bình luận (0)