Không ai có thể tính được quy luật muôn đời: sinh, lão, bệnh, tử, nhất là ở vào cái tuổi 86 như ông.
Nhưng dường như ai cũng nghẹn ngào và bàng hoàng trước tin rất xấu này.
Tôi không còn tin ở lỗ tai mình khi nghe ông qua đời và không tin cả vào đôi mắt của mình khi thấy ông nằm bất động trên chiếc băng ca từ máy bay cấp cứu đưa ông từ Singapore về Tân Sơn Nhất.
Hôm 11.6 là trời mưa dữ dội đổ xuống phi trường. Nhiều người khóc, trong đó có cô Bảy Huệ, vợ của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà nói: “Cuộc đời ông Sáu Dân trăn trở vì nước vì dân nhiều lắm. Đến tuổi 86, ông cũng cứ như thế”.
Khi sinh thời, ông thường nói với cánh trẻ chúng tôi với một niềm lạc quan: “Có hai cái hội mà tôi không vào, đó là hội người cao tuổi và hội hưu trí”. Vấn đề không phải là ông không muốn vào hai hội đó mà là ông luôn muốn chứng tỏ là khi ở bất cứ tuổi nào, con người vẫn còn sống có ích, vẫn còn sức khỏe thì vẫn đóng góp cho dân cho nước.
Đôi khi tôi có quan niệm và có góp ý với ông rằng: “Chú cũng như những người cùng thế hệ với chú, đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước và cách mạng rồi, bây giờ chú có quyền nghỉ ngơi để cho lớp trẻ đứng ra gánh vác!”.
Ông không đồng tình với tôi về cách suy nghĩ như vậy.
Hôm đó, đón ông trở về có Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trương Tấn Sang, các đồng chí Lê Thanh Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Phúc, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Phạm Phương Thảo..., còn có những người nấu cơm cho ông ăn hằng ngày, họ bật khóc...
Những thế hệ lãnh đạo được ông dìu dắt và đào tạo có mặt hôm ở phi trường, tôi hiểu họ học được ở ông rất nhiều điều, trong đó có một điều ông thường nhắc nhở: “Làm việc gì cũng vậy, cứ vì lợi ích chung của dân của nước mà làm, đừng nhìn xuống cái chân ghế của mình. Đó là tiêu chí đầu tiên của người cách mạng, của người cán bộ”.
Nguyễn Công Khế
Bình luận (0)