Người tài không lo “đất dụng võ”
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa phê duyệt đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, đối tượng tạo nguồn là lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể cấp TP. Đối với cấp quận, huyện là từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên của các quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể.
Cấp phường, xã là bí thư, phó bí thư đảng uỷ; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND. Người được tiến cử phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy công lập (bằng 1), kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, tiêu chuẩn chính trị đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị… Đặc biệt, tiêu chuẩn cho người được tiến cử có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng), đề án này có nhiều điểm mới so với chủ trương tiến cử cán bộ trẻ của 2 nhiệm kỳ trước. Chẳng hạn đã mở rộng cả về đối tượng được quyền tiến cử lẫn đối tượng tiến cử… “Ngay sau Đại hội 19 Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2005-2010), Ban thường vụ Thành ủy do anh Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư đã chủ trương mỗi Thành ủy viên có trách nhiệm tiến cử một hoặc một vài cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển. Bản thân tôi khi còn làm Bí thư Quận ủy Thanh Khê cũng đã thực hiện việc tiến cử này”, ông Tiếng nói và cho biết đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn” được Ban thường vụ Thành ủy khóa 19 triển khai từ năm 2008 cũng là một cách trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở phường, xã.
Về độ tuổi của người được tiến cử tham gia đề án dưới 35 tuổi, ông Tiếng cho rằng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quá trình phấn đấu thăng tiến trong công vụ của những cán bộ ưu tú trên 35 tuổi. Theo ông Tiếng, đây chỉ là một trong những nguồn chứ không phải nguồn duy nhất để quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý diện Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt của TP. Người được đào tạo bài bản, có năng lực thực sự, có tố chất lãnh đạo quản lý, khiêm tốn học hỏi thì dù thời gian công tác không dài vẫn có thể tích lũy được kinh nghiệm. “Tạo nguồn theo hai cấp độ từ thấp lên cao - thường là tuần tự nhi tiến: đảm nhiệm các chức danh diện Thành ủy quản lý và sau đó tiếp tục phấn đấu trở thành cán bộ chủ chốt của TP. Đó là chưa kể người được tiến cử còn phải trải qua cả một quá trình rèn luyện thử thách và sàng lọc sau khi được tiến cử. Đây là một đề án mở, không phải được tiến cử là đương nhiên được tiến chức, thăng quan”, ông Tiếng nhận định.
Người tiến cử phải có tâm thật sáng
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) khi đánh giá nội dung “người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển” đã cho rằng, khi tiến cử, bản thân người tiến cử phải nắm được triển vọng của con người đó. Nếu trường hợp tiến cử vào mà họ tốt thì người tiến cử hiền tài nên được khen thưởng, biểu dương với dân. Nhưng ngược lại nếu anh lợi dụng để tiến cử những người không phải hiền, không phải tài thì anh phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật…
“Phải chú ý một điều là người tiến cử phải giúp đỡ chứ không phải bắt bản thân lớp trẻ theo ý kiến của mình. Quan trọng là người tiến cử phải khơi dậy tư duy mới, sự sáng tạo, độc lập, bản lĩnh của cán bộ trẻ. Chứ không phải là những người nghe theo lời mình, mình mới tiến cử”, ông Sự nói. Cũng theo ông Sự, việc tiến cử phải hết sức khách quan, công tâm. Người tiến cử và người được tiến cử đều phải có trách nhiệm với xã hội, với nhân dân… chứ không phải vì tình cảm, quen biết, vì thân thiết mà tiến cử.
“Do đó phải chống lại sự lợi dụng tiến cử để tiến cử người thân quen đi vào bộ máy chính quyền. Đòi hỏi người tiến cử nhất định phải có cái tâm thật sáng để chọn những người có bản lĩnh, dũng khí, trình độ, có năng lực, tâm huyết và đồng thời phải dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng dù rằng bản thân phải trả giá cho chuyện đó”, ông Sự nhận định. Còn ông Bùi Văn Tiếng thì cho rằng, người có thẩm quyền trong công tác cán bộ mà suy thoái đến mức chỉ chăm chăm chọn người nhà chứ không chọn người tài thì có thực hiện chủ trương tiến cử cán bộ trẻ hay không cũng chưa đủ sức ngăn chặn được họ. “Chỉ có thể khắc phục được tình trạng đáng buồn ấy khi có sự minh bạch, công khai trong công tác cán bộ, khi thực sự mở rộng dân chủ trong Đảng, khi “vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc”, khi hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được…”, ông Tiếng nói.
Chính vì thế, theo ông Bùi Văn Tiếng, bên cạnh việc đề ra những quy định ràng buộc đối với người tiến cử, cần đề cao trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc thẩm định tư cách người được tiến cử ngay từ đầu vào… Muốn được như vậy thì cần tiếp tục đẩy mạnh việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý một cách thực sự nghiêm minh. Những người được tiến cử chỉ có ưu thế so với các ứng viên khác ở chỗ đã có điều kiện rèn luyện thử thách nhiều hơn trong thực tiễn công tác.
Chọn cán bộ lớn tuổi làm nòng cốt
Với vị trí nguyên là Bí thư Thành ủy Hội An và từng là một cán bộ lãnh đạo về hưu trước tuổi, ông Nguyễn Sự ủng hộ giải pháp “giải quyết rào cản” động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ. “Theo tôi, những cán bộ chưa đến tuổi về hưu còn trí tuệ, năng lực và làm việc hiệu quả thì nên chọn làm nòng cốt. Khi lớp trẻ đảm nhận được thì anh sẵn sàng và rời ghế đi. Tôi ủng hộ chuyện này… Việc này phải sàng lọc, chọn lọc. Đối với những người lớn tuổi mà khả năng phát triển không còn, độ nhạy không còn thì cũng nên động viên người ta nghỉ sớm, nghỉ trước để nhường cho lớp trẻ là điều đúng”, ông Sự nói.
|
Bình luận (0)