Tiền Giang cần tập trung '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

Bắc Bình
Bắc Bình
25/03/2024 06:30 GMT+7

Đó là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, tổ chức ngày 24.3.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghịẢnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Tiền Giang có rất nhiều lợi thế về mặt địa lý, lịch sử văn hóa và nguồn lao động dồi dào. Tiền Giang có lợi thế rất rõ về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên trong kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như nạn sụt lún đất, xâm nhập mặn, nước biển dâng, kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và nguồn lao động tuy dồi dào (trên 1 triệu dân trong độ tuổi lao động/tổng số gần 1,8 triệu dân) nhưng vẫn còn thiếu lao động có chất lượng cao…

Thủ tướng đề nghị Tiền Giang phải tập trung vào "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Trọng tâm là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, đột phá các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ và chống biến đổi khí hậu.

Hai tăng cường: tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi trọng bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.

Ba đẩy mạnh, gồm: đẩy mạnh phát triển các hạ tầng chiến lược, bao trùm, toàn diện các hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông và chống biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để phục vụ tốt các ngành sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo sự ổn định và phát triển.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn 16.719 tỉ đồng; trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn 39.185 tỉ đồng. Đồng thời, giới thiệu danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực: phát triển đô thị, khu dân cư; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp; kết cấu hạ tầng giáo dục - y tế - văn hóa - thể thao - môi trường; nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.