Thuận lợi trong kết nối liên vùng
Các chiến lược đầu tư đúng đắn, hiệu quả cao về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp cùng nhiều chính sách thu hút hợp lý... trong những năm gần đây đã giúp tỉnh Tiền Giang củng cố vị thế chiến lược của mình và được các nhà đầu tư tầm cỡ quan tâm.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông thủy - bộ ngày càng hoàn thiện, giúp các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh thuận lợi kết nối với nhau, kết nối với các vùng kinh tế khu vực phía Nam và TP.HCM thông qua các tuyến giao thông huyết mạch, như: cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, QL1, QL30, QL50, QL60, sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo, đường tỉnh 864 dọc sông Tiền, đường tỉnh 878… Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ là cơ sở vững chắc để Tiền Giang tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào dịch vụ logistics.
Tỉnh Tiền Giang có bờ biển dài 32 km và đang được đầu tư nhiều dự án để phát triển kinh tế biển, kết nối giao thương hàng hải quốc tế cùng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 tấn tại Cảng biển Mỹ Tho. Tiền Giang tiếp giáp với TP.HCM và Long An, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Với vị thế "vườn trái cây" của cả nước và lực lượng lao động dồi dào, Tiền Giang đang rất thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Sở KH-ĐT Tiền Giang, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2020 của tỉnh tăng bình quân trên 11%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 31.400 tỉ đồng (tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2022), trên 400 DN thành lập mới, khoảng 5.800 DN và hơn 71.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Hiện, tỉnh đã hình thành được 3 KCN, 6 CCN và thu hút các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm, điện tử, may mặc và các ngành nghề mới như điện gió, sản xuất kết cấu kim loại… Có 139 dự án FDI đầu tư vào tỉnh, với tổng số vốn đăng ký hơn 2,8 tỉ USD; tổng số vốn thực hiện đạt 90% so với vốn đăng ký, đứng thứ 4 vùng ĐBSCL và thứ 30 của cả nước.
Tiền Giang đang sẵn sàng đón nhà đầu tư mới
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, mục tiêu sắp tới của tỉnh là tiếp tục đầu tư vào các vùng công nghiệp trọng điểm để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững 2 khu vực Đông Nam Tân Phước và Gò Công. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư vào 2 KCN có vốn đầu tư lớn là Tân Phước 1, 2 và các KCN Bình Đông, Soài Rạp; các CCN Gia Thuận 1, 2. Đồng thời, phát huy lợi thế quỹ đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và nhà ở, hạ tầng xã hội, thương mại, dịch vụ…
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nhiều nhà đầu tư cho biết, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức không chỉ trong lĩnh vực thu hút đầu tư mà còn trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng…
Từ sau đại dịch Covid-19, Tiền Giang tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo hệ sinh thái bình đẳng, thân thiện; trong đó có hỗ trợ công tác khởi nghiệp, hỗ trợ công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách hợp lý trong thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh cho DN.
Ngoài ra, tỉnh luôn chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, minh bạch thông tin về đất công, công khai thông tin các dự án mời gọi đầu tư, bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư… Thường xuyên hỗ trợ DN trong tuyển dụng, đào tạo lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bình luận (0)